Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã khép lại. Xã hội ghi nhận sự cố gắng của Bộ GD&ĐT về một mùa thi bớt mệt mỏi, căng thẳng nhưng cũng còn nhiều vấn đề đáng phải bàn, như tính nghiêm túc của kỳ thi, hay sự đồng đều về độ khó của tất cả các mã đề… Những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ đã đi từng bước rất thận trọng. Và, dù có lấy năm 2017 làm năm chốt cho kỳ thi THPT quốc gia thì những năm sau, Bộ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện những khâu quan trọng về đề thi, tính nghiêm túc
Các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Kết quả tin cậy để các trường xét tuyển
Sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2017 kết thúc, dư luận khá băn khoăn về việc ra đề thi trắc nghiệm. Nhiều thí sinh cho rằng, đề thi chia câu hỏi không thật đồng đều nên có câu hỏi khó ở phía đầu, câu dễ phía cuối. Câu hỏi khó ở đầu nên gây áp lực cho thí sinh? Hoặc có môn thi, đề thi gốc có độ khó không tương đương nhau, sẽ gây mất công bằng cho các thí sinh?...
Về điều này, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, Trưởng ban làm đề (Bộ GD&ĐT) cho biết: Vì là năm đầu đổi mới đề thi theo chuẩn quốc tế, từ trước đến nay chúng ta chưa xây dựng đề thi theo hướng này nên không tránh khỏi băn khoăn. Năm nay để xây dựng được mã đề thi theo hướng chuẩn hoá, Ban làm đề đã có thời gian chuẩn bị khá kỹ.
Để trả lời cho sự tin cậy của đề thi, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, (Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định: Đề thi hoàn toàn phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Kỷ luật phòng thi có độ tin cậy. Qua phản ánh khách quan từ các cụm thi thì kỳ thi diễn ra trật tự, nhẹ nhàng, an toàn, không có vi phạm có tổ chức.
Theo ông Trinh, kỳ thi năm nay, hầu hết tất cả đều thi trắc nghiệm (trừ Ngữ văn) đã triệt tiêu động lực thí sinh có thể mang tài liệu vào phòng thi. Hơn nữa, trong phòng thi có 50% giám thị là giáo viên phổ thông, 50% giảng viên ĐH. Đây là cơ sở để khẳng định kết quả của kỳ thi sẽ có sự tin cậy cao. Trước khi diễn ra kỳ thi, Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Công an lưu ý đến tận từng điểm thi về việc sử dụng thiết bị công nghệ cao. Với 24 thí sinh trong 1 phòng thi thì 2 giám thị có thể dễ dàng phát hiện được thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao…
Ông Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, người trực tiếp tham gia các đoàn kiểm tra cũng khẳng định: Qua kiểm tra tại các điểm thi cho thấy, kỳ thi diễn ra yên ả, trật tự. Độ tin cậy của kỳ thi hoàn toàn có, thông qua các giải pháp kỹ thuật như đề thi trắc nghiệm, 24 mã đề trong 1 phòng thi, có giám thị ĐH về địa phương coi thi. Qua trao đổi với cán bộ coi thi thấy rằng, kỷ luật phòng thi được đảm bảo. “Tôi có thể khẳng định, kỳ thi có độ tin cậy cao để các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển. Sau khi có kết quả điểm thi từ các địa phương sẽ là căn cứ để có đanh giá chính xác nhất về độ tin cậy của kỳ thi này”, theo ông Sơn.
Bắt đầu công tác chấm thi
Kết thúc kỳ thi, cũng là lúc công tác chấm thi được các Sở GD&ĐT bắt tay vào thực hiện. Ngay từ hôm qua (25/6), công tác triển khai chấm thi cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại các Hội đồng thi đã bắt đầu. Theo Bộ GD&ĐT, đúng kế hoạch, đến ngày 7/7 các Hội đồng thi sẽ công bố để thí sinh biết điểm thi của mình. Sau khi có kết quả các bài thi, chậm nhất đến ngày 14/7, sẽ có xét công nhận tốt nghiệp THPT và giấy chứng nhận kết quả thi. Chậm nhất là ngày 17/7, các thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, đã chỉ đạo từ sớm các sở GD&ĐT chuẩn bị nhân lực, phương tiện kỹ thuật cho công tác chấm thi. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường thêm công tác thanh tra, yêu cầu các trường ĐH cử cán bộ tham gia cùng các đoàn thanh tra để thực hiện giám sát công tác chấm thi tại các địa phương.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Nghệ An, năm nay, Sở huy động khoảng gần 300 cán bộ, giáo viên chấm thi THPT quốc gia 2017. Để phục vụ cho chấm thi trắc nghiệm sẽ có 3 máy tự động chấm, mỗi máy có 11 người phụ trách, bao gồm cả lực lượng công an giám sát. Thời gian chấm bài thi trắc nghiệm, theo sở GD&ĐT Nghệ An sẽ kéo dài trong 6 ngày. Đối với bài thi môn Ngữ văn, sẽ được tiến hành làm phách trong hai ngày 25 và 26-6. Theo quy định, môn tự luận phải được chấm nghiêm túc 2 vòng độc lập.
Sở GD&ĐT TP HCM cũng đã huy động khoảng 1.000 giáo viên, cán bộ giám sát và công an để làm công tác chấm thi. Trong đó, có 500 giáo viên chấm thi môn Văn, riêng các môn thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy. Mỗi môn sẽ có 2 cán bộ an ninh và thanh tra ĐH theo dõi chấm thi. Từ hôm qua, Ban chấm thi trắc nghiệm đã bắt đầu làm việc.
Từ 27/6, Ban chấm thi tự luận bắt đầu làm việc. Ngày 2/7, thực hiện hồi đầu (100% bài thi) và đối sánh kết quả thi. Ngày 3/7 tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT.
Năm 2018, các trường tự quyết định điểm sàn
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT). Theo bà Phụng, từ năm 2018, điểm sàn sẽ được các trường ĐH quyết định. Nhưng phải phù hợp với điều kiện mà Bộ đã quy định.
Bà Phụng cho biết, trong quy chế tuyển sinh hiện nay đã quy định khá rõ các quy định về điểm sàn áp dụng trong năm 2017. Còn từ năm 2018, có một số điều kiện được bổ sung và khi thực hiện các điều kiện đó, các trường tự xác định điểm sàn.
“Các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ hoàn chỉnh. Trong đó, thực hiện những quy định về công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường; công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên về từng ngành đào tạo tốt nghiệp trong 2 năm gần nhất; công khai tỷ suất đầu tư để bảo đảm đào tạo sinh viên trong một năm học. Tất cả những nội dung đó sẽ cung cấp cho thí sinh, cho xã hội biết điểm xét tuyển các năm, tỉ lệ việc làm theo các ngành,... nhằm giúp thí sinh có lựa chọn phù hợp với trình độ và mức điểm đạt được. Khi đã cung cấp tất cả các điều kiện để sinh viên lựa chọn, Bộ không quy định mức bảo đảm chất lượng nữa mà trao quyền đó cho từng trường”.