Hằng năm, nước sông Nhơm (chảy qua nhiều huyện, thị của Thanh Hóa) cung ứng cho hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu của bà con nông dân; là cứu cánh cho cả nghìn hộ dân Thanh Hoá có được nước sinh hoạt vào mùa nắng hạn. Thế nhưng, những năm gần đây, sông Nhơm đã lại trở thành ẩn họa đối với môi trường và sức khoẻ của người dân.
Ông Phùng (bên phải) bức xúc khi rác thải từ kênh Nam tuồn ra cống Nổ Hồ
rồi đổ vào sông Nhơm gây ô nhiễm.
Khi nguồn thiên nhiên bị “đầu độc”
Dọc đôi bờ sông Nhơm trong những ngày hè nắng gắt, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến con sông một thời “tắm mát” yên bình, thơ mộng nay đã biến thành “con sông rác”, với nỗi khiếp đảm vì ô nhiễm, bệnh tật. Không giấu được sự lo lắng, chủ tịch UBND xã Trung Chính, (huyện Nông Cống) ông Lê Xuân Phùng cho biết: Cả xã có 8 thôn thì có tới 7 thôn đang phải phụ thuộc nguồn nước từ sông Nhơm. Vậy nhưng, sông Nhơm mấy năm trở lại đây đang từng ngày bị đầu độc bởi rác thải ô nhiễm.
Tại cống Nổ Hồ- nơi rác thải từ thượng nguồn đổ thẳng vào sông Nhơm, nhiều người đã không giấu được nỗi bức xúc khi cống vốn được xây dựng với chức năng chính là tiêu thoát lũ cho một số xã thuộc huyện Nông Cống thì nay nó phải kiêm nhiệm thêm một chức năng mới là chứa rác thải. Cả đoạn kênh chỉ chừng 300m nối từ kênh Nam đến cống Nổ Hồ rồi đổ ra sông Nhơm bốc mùi hôi thối nồng nặc từ đủ chủng loại rác thải, rác sinh hoạt, rác công nghiệp, xác động vật chết…. Tại vị trí cống Nổ Hồ, nơi nối tiếp với kênh Nam, lượng rác thải lúc nào cũng lên tới hàng tấn, chiếm dụng phần lớn diện tích lòng kênh, trực chờ đổ ra sông Nhơm.
Có một điều khó hiểu là khi phía Cty Thuỷ nông sông Chu (Thanh Hoá)- đơn vị khai thác, xử lý nguồn nước, mặc dù đã lắp đặt một hệ thống rào chắn sắt nhằm ngăn rác thải từ thượng nguồn đổ về, song lại không có biện pháp trục vớt, xử lý rác thải mà đang tâm xả toàn bộ lượng lớn rác thải trên vào sông Nhơm mỗi khi mở cống.
Nguồn nước sông Nhơm ô nhiễm, thế nhưng cả trăm hộ dân xã Trung Chính (huyện Nông Cống) nói riêng, cả nghìn hộ dân khác ở các xã lân cận có dòng sông Nhơm chảy qua vẫn phải sử dụng vì không có sự lựa chọn nào khác. Gia đình bà Nguyễn Thị Hằng (thôn Thanh Hà, xã Trung Chính) xót xa nói: Nếu ngày trước nước sông Nhơm trong xanh, sạch mát, bà con cứ mỗi sáng - chiều đều ra gánh nước, giặt giũ; lũ trẻ thì nô nhau tắm mát vui vẻ bao nhiêu thì nay ngược lại. Nhà bà Hằng nằm ngay mép bờ tả sông Nhơm, mặc dù đã đầu tư để xây dựng một bể chứa nước mưa 10 khối nhưng cũng không đủ giải quyết được nguồn nước sinh hoạt của gia đình. Và khi ấy, bà cũng như bao hộ dân khác đành phải nhắm mắt lấy nước sông Nhơm lên lắng lọc mà dùng.
Tại sao gia đình không khoan giếng sử dụng? Bà Hằng chia sẻ, khoan nước khắp rồi nhưng không được. Khoan sâu 50 – 60m thì nguồn nước bị nhiễm mặn; khoan sâu hơn thì gặp đá; khoan cạn thì nước bị nhiễm sắt…
Giải pháp nào cho sông Nhơm?
Vừa qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, dòng sông Bưởi bị “bức tử” bởi việc xả thải của các đơn vị kinh doanh, sản xuất phía thượng nguồn khiến môi sinh bị huỷ diệt; hàng chục tấn cá lồng, cá bè của bà con phơi bụng chết trắng… Đến nay dòng sông đã trở lại hiền hoà; đơn vị vi phạm cũng đã chịu hình thức xử lý. Trở lại với sông Nhơm, vì sao nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây vẫn chưa được giải quyết?
Theo ông Lê Xuân Phùng – Chủ tịch UBND xã Trung Chính thì giải pháp để sông Nhơm không bị ô nhiễm là người dân phải có ý thức trong việc xả rác thải là cốt yếu. Để người dân hiểu, họ là những người bảo vệ môi sinh thì chính quyền các địa phương ngoài hoạt động giám sát còn phải tuyên truyền thường xuyên cho bà con. Và chính quyền có xử lý tốt rác thải trong thôn, trong xóm thì ý thức của người dân mới được nâng lên. Thứ hai, cần sự vào cuộc của cấp ngành chức năng tỉnh Thanh Hoá trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Phần chính quyền xã Trung Chính nói riêng, hằng năm chính quyền xã đều phải huy động sức người, sức của từ địa phương để dọn dẹp, bảo vệ môi trường sông Nhơm. Ngay từ các thôn cũng thường xuyên tự giác đứng ra huy động dọn dẹp, bởi mỗi lần rác thải, xác động vật chết tồn ứ, mắc kẹt trên sông là hôi thối nồng nặc, người dân sinh sống dọc bờ sông không thể nào chịu được… Nhưng chỉ chính quyền địa phương xã Trung Chính nỗ lực thôi chưa đủ. Thời gian qua chính quyền huyện Nông Cống cũng phải vào cuộc cùng hỗ trợ... nhưng cứ giải quyết ô nhiễm được một thời gian là đâu lại vào đấy.
“Hiện, địa phương rất khó khăn về nguồn nước, nhà nào cũng phải xây bể để chứa nước mưa, hoặc chứa nước bơm từ sông Nhơm bơm lên. Có nhà đào giếng bên sông Nhơm cho nước sông ngấm vào để sử dụng. Tuy nhiên nước sông ngày càng ô nhiễm nên UBND xã hết sức lo lắng. Chính quyền, bà con nhân dân xã Trung Chính rất mong các ngành, cơ quan chức năng nhanh chóng đầu tư cho bà con trong xã một nhà máy nước sạch, không chỉ phục vụ cho Trung Chính mà các xã lân cận như Tế Thắng, Tế Lợi bị ảnh hưởng của chất Amiang cùng thụ hưởng!” - ông Phùng mong mỏi.