Khắc phục bất cập trong đề xuất chính sách

H.Vũ 19/04/2018 06:36

Liên quan đến Dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính quy định đánh thuế nhà, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính. Điều đó đang đặt ra những vấn đề trong đề xuất chính sách làm sao để đảm bảo tính khả thi.

Khắc phục bất cập trong đề xuất chính sách

Đề xuất chính sách cần đảm bảo tính khả thi.

Lý do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính là bởi theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về sự cần thiết xây dựng dự án Luật thuế tài sản và dự kiến các nội dung chính sách để Chính phủ xem xét, quyết định.

Thực tế trên đang đặt ra những vấn đề trong đề xuất chính sách, hàng loạt những quy định pháp luật trong thời gian qua thiếu tính khả thi gặp phải phản ứng từ dư luận như Thông tư của Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu ghi tên các thành viên trong gia đình vào trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mới đây khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã chỉ ra những bất cập trong công tác xây dựng pháp luật cũng là nguyên nhân khiến luật xa cuộc sống. Theo bà Nga, những hạn chế tồn tại trong lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh kéo dài hàng chục năm và ngày càng có dấu hiệu nặng hơn chính là do không nghiêm.

“Các tài liệu quan trọng như báo cáo tổng kết thi hành hầu như 70% không ký, không đóng dấu, trong khi quan điểm để xây dựng luật là trên cơ sở tổng kết thực tiễn để chọn lọc những cái tốt, khắc phục hạn chế. Hay báo cáo cực kỳ quan trọng là báo cáo đánh giá tác động gần như 100% không ai ký, đóng dấu. Vậy đánh giá tác động chính sách này của ai? Của phó vụ trưởng hay vụ trưởng, thứ trưởng hay bộ trưởng? Điều này dẫn đến chất lượng của chính sách đưa ra có vấn đề. Vì vậy cần làm nghiêm vì nếu cứ nể nhau thì tiếp tục tái diễn”-bà Nga đưa ra dẫn chứng cho kỷ luật làm luật không nghiêm.

Cùng nhận định, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra tình trạng gửi sang Quốc hội để thẩm tra luật nhưng tờ trình có, số công văn có, nhưng ruột thì không, tức là tài liệu không có. Ruột không có thì lấy gì mà cho ý kiến. Do đó cần thay đổi nguyên tắc, không thể cứ để tình trạng Quốc hội phải bắc nước chờ gạo, khi nào có gạo mới bắc nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc phục bất cập trong đề xuất chính sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO