Ngày 22/8, phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Công thương hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Sớm có phương án xử lý trong dài hạn việc thực hiện bảo quản riêng về xăng dầu dự trữ quốc gia. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Thực hiện các giải pháp khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn những chính sách chưa được triển khai tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 6/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chuẩn mực đạo đức xã hội.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ Nội vụ hoàn thành việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và quản lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ Tư pháp khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án hành chính. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
Cùng với đó, đề nghị Bộ Công an tăng cường đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp. Triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Thanh tra Chính phủ nâng cao chất lượng và hiệu quả kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tập trung thực hiện tốt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử, chú trọng thực hiện tốt công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đồng thời lưu ý Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Rà soát, hoàn thiện các quy định, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Trước đó, trả lời chất vấn liên quan đến một số vấn đề trong lĩnh vực Công thương, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, về đảm bảo an ninh năng lượng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, đã ban hành Nghị định số 80/NĐ-CP quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, công khai, minh bạch; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện.
“Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại COP26” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công thương và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống; quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp, đúng quy định.