Giới chuyên gia nhận định, thẻ tín dụng nội địa hướng tới phục vụ đa số người dân, hướng đến tài chính toàn diện mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề ra, thông qua việc phổ cập khuyến khích chi tiêu không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó thẻ tín dụng nội địa cũng mở ra kênh tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ cho các tiêu dùng cá nhân, từ đó đẩy lùi tín dụng đen.
Đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), thời gian qua thanh toán không dùng tiền mặt phát triển rất mạnh, trong đó thẻ nội địa có sự phát triển rất vượt bậc trong vòng 5 năm gần đây.
Đến thời điểm hiện tại có hơn 100 triệu thẻ nội địa đã được phát hành, lưu hành và được người dân sử dụng để thanh toán và rút tiền ATM tại hơn 20.000 điểm.
Xét riêng về vấn đề chi tiêu tại các điểm giao dịch, trong 5 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch chi tiêu qua thẻ đạt 45% và giá trị giao dịch đạt 40%. Nếu xét về online và trực tuyến, con số này là 87% về số lượng giao dịch và 107% về giá trị giao dịch.
Đại diện Napas cho hay: Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa phục vụ đa số người dân, hướng đến tài chính toàn diện mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra. Người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ cho tiêu dùng cá nhân, đặc biệt người kinh doanh cá thể, người nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận như một nguồn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của mình.
Thẻ tín dụng nội địa cũng có nhiều ưu điểm, như với hạn mức nhỏ nên các yêu cầu về việc cấp hạn mức, cấp phép phát hành thẻ đơn giản hơn so với thẻ quốc tế tương tự. Với thẻ này, người lao động có nhu cầu thì có thể chi tiêu ngay, không phải tìm mọi cách để vay (kể cả tín dụng đen).
Trong khi đó theo thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành trên thị trường Việt Nam đạt hơn 543 nghìn thẻ, chỉ tương đương 7% so với số lượng thẻ tín dụng quốc tế và tương đương 0,5% so với tổng lượng thẻ toàn thị trường (ước 110 – 120 triệu thẻ). Hơn nữa, khi so sánh với các quốc gia láng giềng, chỉ 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế.
Trong khi các quốc gia lân cận như Thái Lan, con số này là 10%, Malaysia 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan 54%, Nhật Bản 68%... Vì vậy, mảnh đất phát hành thẻ tín dụng nội địa rất màu mỡ, không chỉ là sân chơi của ngân hàng mà nhiều công ty tài chính cũng đẩy mạnh chiến lược phát triển thẻ nội địa, thậm chí kèm theo tham vọng “mỗi người dân Việt Nam một thẻ tín dụng nội địa”.
Nuôi dưỡng “đứa con sinh sau đẻ muộn”
Thẻ tín dụng nội địa được nhiều người ví von là “đứa con sinh sau đẻ muộn” trong hệ thống thẻ đang lưu hành. Nhưng theo các chuyên gia, dư địa để nuôi dưỡng, phát triển đứa con này là có cơ sở.
Theo ông Đỗ Vân Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm thẻ HDBank, tốc độ tăng trưởng thẻ tín dụng nội địa của ngân hàng này vượt mong đợi trong 7 tháng đầu năm 2022, lên tới hơn 300% so với kết quả của cả năm 2021. Sản phẩm đáp ứng được đúng nhu cầu của cả hai đối tượng khách hàng, các điểm bán lẻ, cửa hàng tạp hóa, công nhân...
Trong khi đó ông Hồ Minh Tâm - Tổng Giám đốc VietCredit cho hay, còn dư địa rất lớn trong phát triển sản phẩm thẻ tín dụng nội địa. Ông Tâm phân tích, các ngân hàng tại Việt Nam có hơn 20 năm kinh doanh sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, phân khúc thẻ tín dụng quốc tế tập trung đại đa số là khách hàng có thu nhập cao, sống ở các khu đô thị lớn. Như vậy, các ngân hàng hiện đang bỏ lỡ một lượng khách hàng tiềm năng, đó là những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Bên cạnh đó các sản phẩm thẻ tín dụng hiện nay của ngân hàng, về tính năng, thời hạn thanh toán … vẫn phụ thuộc vào thị hiếu, thói quen, hành vi của nhóm khách hàng cao cấp, chưa khớp với hành vi, tư duy, nhận thức của nhóm khách hàng còn lại. Đặc biệt thương mại điện tử phát triển như vũ bão là một bước ngoặt, lực đẩy cho nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.
Thật vậy, với xu hướng thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh và nhu cầu tiếp cận các khoản tín dụng nhỏ với thủ tục đơn giản đang rất lớn, đây sẽ là dư địa phát triển rất tốt cho thẻ tín dụng nội địa.
Ông Phạm Trường Giang - Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Phát triển thanh toán (Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước) cho rằng do các ngân hàng mới bắt đầu phát hành thẻ tín dụng nội địa nên để đẩy mạnh việc đưa thẻ này vào cuộc sống để người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đặc biệt tín dụng tiêu dùng thì trong thời gian tới, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, cũng như công ty chuyển mạch thẻ cần có các giải pháp. Thứ nhất về tổ chức phát hành thẻ, phải có chương trình quảng bá, giới thiệu thẻ tín dụng nội địa đến đông đảo người dân. Đồng thời cũng nên có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để người dân có thể tiếp cận được và sử dụng sản phẩm một cách có lợi nhất và thích thú tham gia. Thứ hai, thẻ tín dụng nội địa có chi phí xử lý thẻ thấp hơn so với thẻ quốc tế, do đó, ông Giang cho rằng tổ chức phát hành thẻ hoặc tổ chức chấp nhận thanh toán thẻ cũng cần có chính sách, chiến lược để mở rộng điểm chấp nhận thẻ.
“Khi khách hàng mở tín dụng nội địa, tức tiếp cận nguồn vốn chính thống của ngân hàng rồi, nhưng muốn sử dụng nguồn vốn này cho các nhu cầu như thanh toán tiền điện, nước, học phí, y tế… thì cũng phải có điểm chấp nhận thanh toán” – ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, hiện tại, ở khu vực đô thị đã tương đối phổ biến, tuy nhiên, cũng phải cung cấp các điểm chấp nhận thẻ ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa… để khách hàng có thể sử dụng.
Thêm nữa, đại diện NHNN cho biết, một số tổ chức phát hành thẻ đang đồng thời phát hành thẻ tín dụng quốc tế thì cũng có một số lợi ích về kinh tế hơn so với phát hành thẻ tín dụng nội địa (chẳng hạn nhận được các chi phí như chuyển đổi ngoại tệ (interchange) của các tổ chức thẻ quốc tế cao hơn so với thẻ tín dụng nội địa).
Giới chuyên gia nhận định, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa có vai trò quan trọng trong thúc đẩy xu hướng không dùng tiền mặt, đặc biệt, sẽ góp phần hạn chế vấn nạn tín dụng đen đã và đang hoành hành, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.