Ngày 19/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức Ngày hội “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, đại diện các bộ, ngành, nhân sĩ, trí thức và đông đảo các tầng lớp nhân dân dự lễ khai mạc. Ảnh: VGP/Tuấn Minh.
Dự khai mạc Ngày hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, đại diện các bộ, ngành, nhân sĩ, trí thức và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày hội nhằm phát động phong trào đọc sách báo, tự học theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại và chào mừng “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội như trưng bày, triển lãm sách, báo; thi xếp sách nghệ thuật; tọa đàm, giao lưu tác giả, tác phẩm “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” với công chúng; một số chương trình dành cho thiếu nhi như kể chuyện theo sách, vẽ tranh và thi viết cảm nhận với chủ đề "Chúng em đọc, chúng em viết, chúng em vẽ" hay góc đọc sách dành cho thiếu nhi.
Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, hiếu học và ham đọc sách là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần hình thành trí tuệ, tâm hồn, nhân cách và phong thái của con người Việt Nam.
Dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…”, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là “Ngày sách Việt Nam” nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Ngày 15/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham quan một số gian trưng bày sách tại Ngày hội. Ảnh: VGP/Tuấn Minh.
Để phong trào “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển, có sức lan tỏa trong toàn xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách và học tập suốt đời, trở thành một nhu cầu, thói quen tự thân của mỗi cá nhân.
Ngoài ra, các cơ quan đơn vị coi trọng, quan tâm hơn nữa tới việc phát triển phong trào đọc sách, tự học, xây dựng và phát triển các loại hình thư viện, tủ sách tùy theo điều kiện. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường giới thiệu sách, những tấm gương tiêu biểu về tự học thành công trong cuộc sống.
Các nhà xuất bản, thư viện, phòng đọc phải đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng tài liệu, ấn phẩm, đa dạng hóa các dịch vụ phục vụ người đọc nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của mọi tầng lớp nhân dân.
Tại lễ khai mạc, đại diện cho một địa phương có phong trào xây dựng tủ sách lớp học đang phát triển rất mạnh mẽ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến đã chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm trong việc thực hiện xã hội hóa công tác này.
Ông Chiến cho biết, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, Nam Định đã có những sáng tạo trong việc kêu gọi tài trợ xây dựng tủ sách như lập website để bất cứ ai cũng có thể truy cập để đóng góp, lựa chọn một trường học, loại sách cũng như số lượng tài trợ. Khi có nguồn tài trợ, nhà cung cấp sách sẽ chuyển sách đến địa chỉ được hỗ trợ, kinh phí vận chuyển cũng được các đơn vị bưu điện, chuyển phát hỗ trợ một phần.
Hay có nhà tài trợ đề xuất cộng đồng đóng góp được 1 đồng thì sẽ tài trợ thêm 1 đồng, từ đó nhân đôi nguồn kinh phí có được để mua sách, xây dựng tủ sách tại các trường học.
Từ những sáng tạo và nỗ lực này, tại Nam Định đã hình thành rất nhiều tủ sách tại các trường học, góp phần giúp các em học sinh hình thành thói quen đọc sách, được phụ huynh, nhà trường hết sức ủng hộ.