Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hồi phục sản xuất kinh doanh đang trở nên cấp thiết sau bão số 3.
Doanh nghiệp cần trợ lực
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết: Nhiều DN Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đã bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3, nhất là ở Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhiều hàng hóa hư hại, nhà xưởng, kho... sập đổ, máy móc ngập nước không thể hoạt động. Để giúp DN hồi phục sau bão, các cơ quan liên quan cần tích cực hỗ trợ các khoản vay khẩn cấp với người dân, DN bị thiệt hại, để quá trình tái thiết nhanh hơn.
Còn theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, đến nay, các DN trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế tại địa phương đã sản xuất trở lại, nhưng phải cần ít nhất 3 tháng để phục hồi. Đối với DN thuộc ngành logistics, theo khảo sát của Công ty Tư vấn Quản lý chuỗi cung ứng (CEL), nhờ vào việc huy động nguồn lực nhanh chóng, gần 45% DN được khảo sát cho biết kỳ vọng sẽ phục hồi trong khoảng 1 tháng...
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam nhận định, DN cần khoảng từ 3 - 6 tháng để phục hồi hoàn toàn trong. Vấn đề cần quan tâm là chính sách hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương như thế nào và ưu tiên hỗ trợ các thành phần kinh tế cùng lúc bị tác động ra sao? Thậm chí, ngoài việc giãn, hoãn, miễn nợ, hạ lãi suất vốn vay ngân hàng... giá điện, nước, y tế, giáo dục... cũng cần điều chỉnh giảm tối đa chi phí.
Đồng thời cũng mong muốn Nhà nước trợ lực tiền thuê đất từ 3 - 5 năm cho DN nông nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng; khuyến khích DN FDI mua nguyên liệu từ vùng bị thiệt hại. Trong khi đó, VCCI đề xuất tăng tiền hỗ trợ cho DN nuôi trồng thủy hải sản, miễn tiền thuê mặt nước, phí ra vào cảng biển, sử dụng vị trí neo đậu... đến 1 năm, hoặc Nhà nước hỗ trợ 50 - 70% phí mua bảo hiểm cho các tàu cá, du lịch đến hết năm 2025.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính sớm có các gói cho vay lãi suất thấp hoặc 0% cho DN và người dân trên cơ sở từng đối tượng cụ thể để khoanh nợ. Hàng loạt chính sách khác về thị trường, lao động... cũng được cộng đồng DN mong được sớm hỗ trợ như: Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng với xăng dầu từ 10% xuống 8% trong 3 tháng cuối năm 2024 cho các DN bán lẻ xăng dầu ở địa phương chịu thiệt hại, hoặc Chính phủ có thể tính tới các gói hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân, DN thay vì chỉ miễn, giảm thuế...
Hiến kế hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Jung Hyeok - Tổng Giám đốc Công ty LS Metal Vina, đại diện nhóm DN sản xuất trong Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) hiến kế: Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả một phần tiền lương của người lao động do DN phải ngừng sản xuất, nhằm giữ chân công nhân. Cơ quan hải quan, thuế, phòng cháy chữa cháy... cũng cần hoãn các cuộc thanh tra để các DN tập trung phục hồi.
Tương tự, theo ông Vũ Huy Khuê - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hải Phòng, DN bị ảnh hưởng bởi bão lũ cần được gia hạn nộp thuế, gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, miễn tiền chậm nộp, miễn phạt vi phạm hành chính... Các thủ tục, hồ sơ triển khai cần được công khai trên các trang thông tin và hướng dẫn trực tiếp cho người nộp thuế...
Về phía ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đã có 32/40 ngân hàng thương mại đăng ký và triển khai gói tín dụng mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2% để cấp tín dụng cho các DN, người dân chịu tác động bởi bão lũ. Đơn cử, BIDV triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các cá nhân, DN bị thiệt hại bởi bão số 3, với tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng có mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách hàng. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20/9 - 31/12/2024.