Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về Dự án nhà máy giấy Lee&Man của Công ty TNHH Lee&Man tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng UBND tỉnh Hậu Giang khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc đúng quy định của pháp luật đối với Dự án nhà máy giấy Lee&Man của Công ty TNHH Lee&Man tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bảo đảm ngăn chặn, chủ động phòng tránh có hiệu quả việc ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do hoạt động của nhà máy giấy, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Ðược biết, trước đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gửi văn bản đến Bộ NN&PTNT và Thủ tướng Chính phủ, lo ngại Nhà máy giấy Lee&Man sau khi hoạt động có thể gây “bức tử” sông Hậu.
Nhà máy Giấy Lee&Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) được xây dựng tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD, nhà máy này được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong tốp 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.
Báo cáo tác động môi trường của Nhà máy đã được Bộ TN&MT tổ chức thẩm định từ năm 2008 và được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt sau đó. Nhà máy cũng đã được Bộ TN&MT cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước với lưu lượng xả lớn nhất 50.000 m3/ngày đêm. Hiện nay, dự án đã xây dựng cơ bản hoàn chỉnh và dự kiến đến tháng 8-2016 đi vào vận hành thử nghiệm.
Tuy nhiên, lo ngại của các nhà khoa học và dư luận hiện nay là Báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy đã quá cũ. Theo thông tin cung cấp từ phía công ty, hoạt động sắp tới của nhà máy là sản xuất giấy cứng bao bì từ việc tái chế giấy và khi vận hành sẽ lấy nước từ sông Hậu khoảng 20.000 m3/ngày. Giới khoa học cho rằng, công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm hơn cả công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất và việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại.