Xã hội

Khẩn trương ứng phó hạn mặn gay gắt

Thanh Tiến 22/02/2024 07:08

Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023 - 2024 bắt đầu gay gắt. Năm nay được đánh giá là một năm khô hạn và mặn sẽ lấn sâu nhất trong 4 năm gần đây, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Ngay sau Tết, các địa phương đã khẩn trương vào cuộc, cùng người dân chống hạn mặn.

cover.jpg
Cống ngăn mặn Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: M.Tiến.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, mùa khô năm 2023 - 2024, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào trong sông từ nửa cuối tháng 11/2023 theo những đợt triều trong tháng. Trên địa bàn tỉnh, mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm (giai đoạn 2012 - 2023). Trong nửa cuối tháng 2/2024 xuất hiện 1 đợt xâm nhập mặn và từ tháng 3 đến tháng 4/2024 sẽ xuất hiện thêm khoảng 4 đợt nữa. Dự báo rãnh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông sẽ xuất hiện trong tháng 3/2024.

anh-cover-1.jpg
Cống ngăn mặn Sơn Đốc 2 (tỉnh Bến Tre). Ảnh: M.T.

Nông dân đứng ngồi không yên

Nhìn 2ha sầu riêng của gia đình, ông Nguyễn Văn Nghĩa (62 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) thở dài sau nhiều đêm ăn ngủ không yên. Ông Nghĩa cho biết, đợt hạn mặn 2019 - 2020 khiến vườn sầu riêng thiệt hại gần như hoàn toàn, hiện đang trong qua trình khôi phục nên ông rất lo lắng trước thông tin hạn mặn sẽ gay gắt trong thời gian tới.

“Hơn 170 cây sầu riêng của tôi sau hạn mặn 2019 - 2020 chỉ còn có mười mấy cây. Hiện vườn sầu riêng này tôi vừa trồng lại được 2 năm, trong khi 5 năm cây mới bắt đầu cho quả đợt đầu tiên. Trước dự báo hạn mặn gay gắt, tôi ăn ngủ không yên. Đợt này vườn sầu riêng mà chết lần nữa là kiệt quệ luôn” - ông Nghĩa nói.

Nguồn thu nhập chính của các hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ yếu dựa vào lúa và cây ăn trái. Những năm qua hạn mặn kéo dài và phức tạp, nên hàng nghìn hécta lúa, cây ăn trái của người dân bị thiệt hại, thậm chí mất trắng. Chính vì vậy, rút kinh nghiệm từ mùa hạn mặn năm 2016, nhiều địa phương đã chủ động đề ra các giải pháp để đối phó với hạn mặn cũng như khuyến cáo người dân để tránh thiệt hại cho các diện tích lúa và hoa màu.

Tại xã Xuân Hoà, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, ông Đoàn Văn Út Xuân tự trang bị thiết bị đo độ mặn kiểm tra nguồn nước để có biện pháp chủ động bảo vệ vườn sầu riêng của gia đình. “Mùa khô 2019 - 2020, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khu vực xã Xuân Hoà chỉ tầm 2 ngày rồi hết. Lúc đó, mọi người chủ quan vì trước nay khu vực chưa từng nhiễm mặn. Do đó, nhiều người không kiểm tra nguồn nước mà đưa vào vườn để tưới nên sầu riêng bị chết. Giờ hôm nào tôi cũng phải đo độ mặn, nếu phát hiện mặn thì không đưa nước vào vườn, bảo vệ hoa màu” - ông Út Xuân nói.

Theo lời ông Út Xuân, cùng với việc khuyến cáo người dân đo độ mặn nước, địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con trữ nước mưa, nước ngọt trong hồ, mương vườn để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

anh-cover-2.jpeg
Đoàn công tác của UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra các giếng khoan tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy để sẵn sàng phục vụ sản xuất khi hạn mặn xâm nhập. Ảnh: M.T.

Khẩn trương ứng phó

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bến Tre, để ứng phó với xâm nhập mặn, triều cường, thời gian qua, các ngành, các cấp, địa phương đã tích cực tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức như: tận dụng các dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; trữ nước trong lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố lót bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đắp đập cục bộ từng khu vực; áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.

Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý. Cùng với đó, có kế hoạch vận hành hệ thống R.O tại các nhà máy nước cũng như vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước từ các nhà máy nước có nước ngọt/độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao.

Còn tại Kiên Giang, ngay từ đầu năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp, các ngành và các địa phương thường xuyên cập nhật chỉ đạo của Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở NNPTNT chủ động phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và người dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt. Chủ động phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé, cống Xẻo Rô và hệ thống cống tuyến đê biển để ngăn mặn, giữ ngọt phù hợp với yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất, từng khu vực. Phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, có giải pháp khắc phục ngay các điểm xâm nhập mặn, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt vùng nông thôn.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để có biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Ngay những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã dẫn đầu đoàn làm việc đến kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Phước Long và Hồng Dân. Kiểm tra công tác vận hành và điều tiết nước tại âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân), ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho rằng cống âu thuyền Ninh Quới rất quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt và điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm. Vì vậy, Ban điều hành cống âu thuyền phải phân công người trực 24/24, theo dõi tình hình độ mặn, không để xảy ra sự cố bất ngờ.

Theo ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nguồn nước về ĐBSCL phụ thuộc chủ yếu từ thượng nguồn sông Mê Kông. Trong năm 2023, lũ trên sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp, dưới báo động 1. Do đó tổng lượng dòng chảy đầu mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức thấp hơn 6 - 10% so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã đến sớm hơn trung bình nhiều năm và ranh mặn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2022 - 2023. Tuy nhiên, nếu so sánh với các năm hạn mặn lịch sử 2015 - 2016 và 2019 - 2020, xâm nhập mặn năm nay sẽ không khắc nghiệt bằng.

Theo dõi khuyến cáo của cơ quan chức năng

Nhận định về xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia dự báo, xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2-3/2024; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2024.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho rằng, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ nhận định, dù năm nay có thể hạn mặn sẽ không gay gắt như đợt hạn mặn lịch sử vào năm 2016 hay năm 2020 nhưng đây cũng là một đợt hạn mặn ảnh hưởng lớn nhất trong 4 năm trở lại đây.

“Vừa qua Tết, ở ĐBSCL nắng nóng. Những tuần tới, nắng nóng tiếp tục kéo dài và làm cho khô hạn gia tăng. Lúc đó, tuỳ theo tình hình thuỷ triều mặn sẽ lấn sâu. Chưa biết chắc chắn tháng 3 và tháng 4 mặn đi vào đến đâu bởi vì từ trước Tết đến giờ việc xả nước của các thuỷ điện trên thượng nguồn có tăng góp phần đẩy mặn một phần. Tuy nhiên, chắc chắn một điều năm nay là một năm khô hạn. Người dân nên theo dõi các khuyến cáo của các cơ quan chức năng cũng như các nhà khoa học để có biện pháp ứng phó” - ông Tuấn nói.

Các tháng mùa khô năm nay cũng ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Vì vậy các địa phương trong vùng đã sớm có kế hoạch, giải pháp cụ thể để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Khu vực Nam Bộ được nhận định là nơi có thời tiết ôn hòa nhất trên cả nước nhưng hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức và chịu tổn thương từ nhiều loại hình thiên tai. Đặc biệt, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng cả về cường độ và phạm vi ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương ứng phó hạn mặn gay gắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO