Khẩn trương ứng phó hạn mặn

Thanh Tiến - Nguyên Du 21/10/2023 14:00

Mùa khô 2023 - 2024, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo có khả năng đến sớm hơn một tháng (giữa hoặc cuối tháng 12) và gay gắt hơn trước.

Cống Phú Phong (huyện Châu Thành) - một trong các công trình ngăn mặn của Tiền Giang. Ảnh: Thanh Tiến.

Để kịp thời ứng phó, một số địa phương đề ra các giải pháp bảo vệ sản xuất, vận động người dân trữ nước ngọt…

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, từ cuối tháng 10 đến tháng 3/2024, mực nước sông Mekong xuống dần. Tổng lưu lượng trong mùa khô 2023 - 2024 đổ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu hụt 20 - 25% so trung bình nhiều năm trong khi tình hình xâm nhập mặn ở khu vực này phụ thuộc nguồn nước thượng nguồn.

Do đó, mùa khô năm nay, xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở mức sâu hơn, gay gắt hơn. Tại một số thời điểm, một số nhánh sông sẽ bị xâm nhập mặn tương đương đợt hạn mặn lịch sử 2015 - 2016.

Mặn đến đâu ngăn đến đó

Rút kinh nghiệm từ các đợt hạn mạn trước, tỉnh Tiền Giang sớm đề ra giải pháp ứng phó. Ngành nông nghiệp liên tục theo dõi diễn biến nguồn nước, mực nước, độ mặn trên sông Tiền và cửa sông Hàm Luông để thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Đồng thời, tỉnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động tích trữ nước ngọt trong mương vườn, ao... sử dụng các hệ thống tưới tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước; khuyến cáo áp dụng các giải pháp kỹ thuật phòng, chống hạn, mặn.

Đối với vùng cây ăn trái, tỉnh triển khai thi công 6 cống ngăn mặn trên sông Tiền. Vùng phía đông (vùng ngọt hóa Gò Công) thực hiện theo hướng mặn đến đâu ngăn đến đó. “Mặn dâng lên các cửa cống cặp sông Tiền, sông Cửa Tiểu thì chúng tôi sẽ ngăn cống. Nếu mặn lấn sâu và nhanh lên đến Mỹ Tho sớm thì cống Xuân Hòa sẽ đóng sớm. Đồng thời, triển khai các giải pháp bổ sung nước để phục vụ cho vùng phía Đông” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam thông tin.

Tại Long An, Sở NNPTNT yêu cầu các địa phương xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024 thích ứng, linh hoạt, hợp lý với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ và vùng bị tác động xâm nhập mặn ở các huyện phía nam.

Sở khuyến cáo các huyện phía nam chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng triều cường, xâm nhập mặn nên chuyển sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới, áp dụng các giải pháp tiết kiệm nước.

Các khu vực bị ảnh hưởng xâm nhập mặn chủ động nạo vét ao, kênh, mương nội đồng, tích trữ nước cho cây ăn trái, tăng cường tuyên truyền vận động nông dân gieo sạ dứt điểm vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 trong tháng 11, không xuống giống trong tháng 12.

“Tùy theo tình hình nguồn nước để bố trí rải vụ hợp lý. Đối với các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa cần chuẩn bị các phương án cung cấp đủ nước ngọt cho vườn cây suốt vụ, có biện pháp xử lý khi gặp điều kiện bất lợi xảy ra. Đặc biệt, cần gia cố hệ thống đê bao, tăng cường tích trữ nước ngọt trong vườn; áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, khi gặp hạn nên giảm lượng nước tưới mỗi lần và giãn thời gian tưới giữa hai lần”- Sở NNPTNT tỉnh Long An khuyến cáo nông dân.

Đối phó với đỉnh điểm El Nino thế nào?

Tại Sóc Trăng, xâm nhập mặn là một trong những nỗi lo thường trực của người dân. Đỉnh điểm là đợt hạn mặn năm 2015-2016, tỉnh thiệt hại gần 28.000ha lúa, 4.000ha cây ăn trái, 215ha rau màu.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo cho biết, năm nay dự báo thời gian đỉnh điểm của El Nino xảy ra từ tháng 4/2023, kéo dài đến hết 2024; mùa mưa kết thúc sớm hơn mọi năm và mặn sẽ lên sớm.

Theo đó, mặn sẽ lên theo tuyến sông Hậu và sông Mỹ Thanh – nơi có khu vực sản xuất lúa trọng điểm của huyện Kế Sách với hơn 47.000 ha, các vườn cây ăn trái ở Long Phú - Tiếp Nhựt, Cù Lao Dung với 45.000ha.

Để ứng phó với hạn mặn, tỉnh đã sớm đề ra kế hoạch phòng, chống. “Tích trữ nước là biện pháp cực kỳ hiệu quả. Tỉnh đã thoát khỏi cơn hạn mặn năm 2019 – 2020 nhờ biện pháp hữu hiệu này. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân đắp kín bờ đê vừa ngăn mặn vừa để tích trữ nước, kịp thời tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp khi hạn mặn lên” - ông Đạo thông tin.

UBND huyện Kế Sách đã thành lập các tổ quan trắc hạn mặn. Tổ này do người dân phụ trách, thông báo thường xuyên tình hình hạn mặn ở địa phương, tích trữ nước, ngăn đóng cống khi cần.

Tại Cà Mau, ông Phan Hoàng Vũ – Giám đốc sở NNPTNT cho biết, trước đây, hạn mặn gay gắt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, hạ tầng giao thông, đê biển... trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, khu vực nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các vùng ngọt hóa thuộc huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp chủ động, kịp thời điều tiết, dự trữ nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng. Chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; thường xuyên kiểm tra tình hình nguồn nước, dự báo mặn để kịp thời cập nhật, điều chỉnh linh hoạt các kịch bản ứng phó.

Sở NNPTNT phối hợp UBND các huyện, TP Cà Mau đã lập kế hoạch chống hạn cụ thể với từng tiểu vùng và kế hoạch chống hạn cho cây trồng (lúa, cây ăn trái, rau mau), vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch tôn cao bờ bao giữ ngọt, chống hạn cục bộ và chủ động vận hành các hệ cống, bọng, các trạm bơm, máy bơm, khoanh chia lại các ô đê bao thuỷ lợi phù hợp để dễ dàng chủ đồng điều tiết nước bên trong vùng.

Chuyên gia khuyến cáo các địa phương cần tích nước từ đầu mùa khô để sử dụng trong suốt mùa. Vụ đông xuân 2023 - 2024 cần xuống giống sớm, hết năm 2023 phải cơ bản xong; sử dụng các giống lúa ngắn ngày. Khu vực bán đảo Cà Mau cần thực hiện đắp đập tạm, nạo vét kênh mương trước khi mùa mưa kết thúc...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương ứng phó hạn mặn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO