Tại thời điểm này, các địa phương trên cả nước đang tập trung khống chế dịch cúm gia cầm với những giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, đặt mục tiêu ngăn chặn và khống chế hiệu quả các ổ dịch, không để dịch cúm gia cầm lây lan sang người.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn vịt, tránh nguy cơ lây lan cúm gia cầm.
Bắc Ninh là tỉnh thứ 5 trong cả nước công bố xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm với chủng H5N6 ở 2 ổ dịch tại TP Bắc Ninh và huyện Quế Võ khiến phải tiêu hủy hơn 8.700 con gia cầm. Xác định công tác phòng chống dịch giai đoạn này là nhiệm vụ cấp bách, UBND thành phố vừa yêu cầu công tác giám sát, kiểm tra tình hình dịch bệnh phải được nắm bắt đến từng hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai đến tất cả các phường thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, tụ điểm buôn bán giết mổ động vật trên toàn thành phố; tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm…Đến nay, toàn thành phố đã sử dụng 146 tấn vôi bột, 760 lít hóa chất. Mục tiêu là khống chế thành công ổ dịch tại Hòa Long, không để lây lan sang địa bàn khác. Với những giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, thành phố đặt mục tiêu ngăn chặn và khống chế hiệu quả các ổ dịch, không để dịch cúm gia cầm lây lan sang người.
Xuất hiện ổ dịch tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội đang triển khai quyết liệt công tác giám sát và ngăn chặn dịch cúm gia cầm tiếp tục lây lan. Chi cục Thú y TP. Hà Nội đã phổ biến đến các Trạm thú y nhất là những địa bàn trọng điểm về chăn nuôi gia cầm giám sát chặt chẽ diễn biến dịch và tăng cường các biện pháp phòng chống, tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường từ ngày 10/2 đến ngày 22/2. Các hộ chăn nuôi chấp hành quy định của pháp luật đối với các dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có dịch cúm gia cầm khi có gia cầm tiêu hủy sẽ được hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước và thành phố.
Tại tỉnh biên giới Lạng Sơn, ông Nguyễn Nam Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NNPTNT cho biết, Chi cục đã chuẩn bị khoảng 7.000 lít thuốc tiêu độc khử trùng để cấp phát cho các huyện và thành phố. Cùng đó, phối hợp với ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố và các chợ trung tâm huyện biên giới tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên gia cầm nhằm kịp thời phát hiện sự xâm nhập và lưu hành của virus cúm gia cầm. Đặc biệt là tổ chức giám sát và áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm tại 3 huyện đã xuất hiện ổ bệnh trong năm 2019 (Tràng Định, Cao Lộc, Chi Lăng).
Ngoài ngành nông nghiệp, các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu. Ông Đặng Văn Ngọc, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho biết, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, hiện các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường đã tăng cường ngăn chặn gia cầm nhập lậu. Đồng thời phối hợp với cơ quan thú y tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch gia cầm đang bán tại các chợ và trên khâu lưu thông.
Ngăn chặn dịch cúm gia cầm do H5N6 bùng phát, ông Trần Xuân Đông- Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tỉnh đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống dịch H5N6, các công tác được tiến hành như khử trùng, tiêm phòng, tuyên truyền các hộ chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng chống bệnh, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh tránh lây lan, lấy mẫu giám sát lưu hành virus cúm gia cầm để cảnh báo dịch bệnh và phục vụ phòng vaccine cúm gia cầm đợt I/2020. Phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 để tăng cường các biện pháp xử lý vận chuyển gia cầm, sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu…
Với Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ban ngành, quận huyện thực hiện các giải pháp đồng bộ về chống dịch bệnh. Có kế hoạch ứng phó khẩn cấp với các chủng virus gia cầm nguy hiểm có thể lây lan sang người. Tất cả các đơn vị cần thực hiện đồng bộ trong việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trên địa bàn thành phố. Kiểm tra tăng cường tại trạm kiểm dịch cố định cầu Đá Bạc, Thủy Nguyên, thường trực 24/24 giờ với việc gia cầm vận chuyển vào thành phố. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để ứng phó kịp thời nếu có dịch bệnh xảy ra. Chi cục Thú y triển khai giám sát sự lây lan virus cúm gia cầm trên đàn gia cầm tại các chợ gia cầm sống và nuôi tại địa phương. Yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai và thực hiện một cách nghiêm túc nhất trong việc phòng chống dịch bệnh.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã gấp rút triển khai tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Dự kiến từ nay đến hết ngày 8/3, lực lượng chức năng sẽ phun 6.350 lít hóa chất trên toàn bộ 127 xã, phường tại các khu vực có hoạt động chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Ngoài ra, Sở NNPTNT cũng yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm… tự dọn vệ sinh xung quanh chuồng trại, khu vực giết mổ, buôn bán tập trung. Đồng thời, tỉnh tiến hành khử trùng, vệ sinh sạch sẽ bằng hóa chất, vôi bột theo định kỳ nhằm phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.
Tới nay, tuy dịch cúm gia cầm chưa bùng phát mạnh nhưng nhiều địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt.
Miễn phí xét nghiêm phát hiện cúm gia cầm
Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa phát đi thông báo về việc miễn phí kiểm tra phát hiện virus cúm gia cầm type A/H5N1/ H5N6/ H7N9. ThS Nguyễn Thị Hoa- Phó Trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học thú y (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, trước tình hình dịch bệnh cúm gia cầm diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng trên, đơn vị quyết định thực hiện xét nghiệm miễn phí phát hiện virus cúm gia cầm type A/H5N1/ H5N6/ H7N9 trên tất cả các đối tượng gia cầm, thuỷ cầm (gà, vịt, ngan, chim bồ câu, chim cút…) cho mọi khách hàng. Hoạt động nhằm góp phần tích cực vào công tác giám sát, phòng, chống dịch cúm gia cầm tại Việt Nam.