Lễ KLTL Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Đây là nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm của các tộc họ sinh sống tại huyện đảo Lý Sơn nhằm tri ân Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là những người hùng binh năm xưa ra đi thực hiện chủ quyền của đất nước tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 27/4, tại Đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh cùng các tộc họ trên đảo đã tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (KLTL Hoàng Sa).
Lễ KLTL Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Đây là nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm của các tộc họ sinh sống tại huyện đảo Lý Sơn nhằm tri ân Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là những người hùng binh năm xưa ra đi thực hiện chủ quyền của đất nước tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Bông, Trưởng Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh đã nhắc lại ý nghĩa của Lễ KLTL Hoàng Sa và nguồn gốc Đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Theo đó Đội lính đi Hoàng Sa có 70 suất, vốn chủ yếu là người An Vĩnh trong đất liền và sau là người phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn). 70 suất đi Hoàng Sa được chia đều cho các họ, tộc, không phân biệt Tiền Hiền hay Hậu Hiền, theo nguyên tắc luân phiên. Các xã đều có người đi Hoàng Sa, nhưng những người lính Hoàng Sa thuở ấy đa số đã hy sinh và không trở về.
Theo sử liệu ghi chép lại, hằng năm các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh giỏi nghề đi biển, ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ và sau đó là dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đảo Lý Sơn, giong buồm nương theo gió nồm vượt sóng tiến ra quần đảo Hoàng Sa thu nhặt sản vật, thực hiện việc đo đạc và cắm bia chủ quyền.
Trong các vật dụng của đội lính đi Hoàng Sa có chiếc chiếu được các dân binh dùng trải nằm, nhưng khi không may gặp chuyện chẳng lành giữa biển khơi thì chiếu dùng để bó xác, đòn tre dùng để làm nẹp và lấy dây mây bó lại. Chiếc thẻ tre ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người xấu số được cài kỹ trong bó xác, đó là dấu hiệu để đồng đội và thân nhân của họ nhận ra họ.
Chuyến đi thường đầy bất trắc, biết là sẽ gặp nhiều hiểm nguy, nên trước khi đội dân binh lên thuyền đi làm nhiệm vụ cao cả, các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức lễ KLTL Hoàng Sa và dùng hình nhân thế mạng để cầu mong may mắn cho người ra đi và yên lòng cho người ở lại.
Trong bài văn tế tại buổi lễ có nói về số phận của những người đi lính Hoàng Sa năm xưa như “Hoàng Sa trời nước mênh mông/người đi thì có mà không thấy về” hay “Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa” luôn vọng trong tâm biết bao thế hệ người dân Lý Sơn.
Ngoài ra, buổi lễ đã tái hiện sinh động về Lễ KLTL Hoàng Sa năm xưa, với những thuyền câu, trong khoang lái có hình nhân làm bằng giấy điều hoặc bằng rơm. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa, cùng các vật lễ mà binh phu Hoàng Sa phải mang theo như: vàng mã, thịt gà, xôi chè, nẹp tre, dây mây, muối gạo, củi, mắm...
Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên hiệu lệnh các trai tráng trên đảo rước thuyền và hình nhân thế mạng thả ra biển hưởng về Hoàng Sa, Trường Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước để thể hiện ý chí, quyết tâm.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Bí thư huyện Lý Sơn cho biết: “Lễ KLTL Hoàng Sa được các tộc họ trên đảo bảo tồn, duy trì hơn 400 năm qua. Nghi lễ này nhằm tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân công đức đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vượt sóng ra biển đông để cắm mốc, xác lập và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”.
Cũng theo bà Hương, lễ khao lề không những tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo dân tộc.