Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần quan tâm đến khát vọng vươn lên của cả dân tộc. Khát vọng không chỉ ở Hà Nội, tức là khát vọng của lãnh đạo, mà khát vọng đó phải được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền, người dân.
Chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay
Sáng 28/3, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016 -2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong giai đoạn 2016-2020, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu nhiêm vụ giải pháp đề ra, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, trong nước. Đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Góp phần quan trọng tô đậm thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Theo Thủ tướng, tốc độ bình quân tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao, bình quân 10 năm 2011-2020 đạt 5,95%/năm. Năm 2020 mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề nhưng vẫn đạt 2,91% là điểm sáng trên toàn cầu trong thực hiện thành công mục tiêu kép. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp đạt 33,6% giai đoạn 2011-2015 và 45,7% giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 2011-2015 đạt 4,3%/năm; năm 2016-2020 tăng lên 5,9%/năm.
Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chất lượng, hiệu quả được cải thiện. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 10,1%/năm, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước ở trong nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội, tăng từ 36,1%/năm 2010 lên 44,9%/năm vào năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2011-2020 đạt 268,2 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Về phát triển vùng, kinh tế biển, đô thị, xây dựng nông thôn mới, theo Thủ tướng: Phát triển vùng có bước chuyển biến, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế. Nhiều công trình hạ tầng kết nối vùng được hoàn thành. Các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớp tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế xã hội. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được đẩy mạnh. Tiềm năng, lợi thế của biển được phát huy, nhiều địa phương có biển phát triển năng động. Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, dần hình thành mạng lưới đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40% năm 2020. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Đến năm 2020 cả nước có 62% số xã và 173 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác phòng chống tham nhũng lãng phí được đẩy mạnh
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng nhắc đến về quản lý nhà nước, cải cách hành chính thì hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Chú trọng hơn nữa việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nội dung, phương pháp quản lý nhà nước đã từng bước điều chỉnh phù hợp hơn. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá, cải cách thủ tục hành chính đạt được những kết quả tích cực.
Tích cực xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng lãng phí được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. “Đã chỉ đạo xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý nhiều vụ việc tham nhũng lớn, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được dư luận quan tâm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân”-Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. An ninh chính trị, an toàn xã hội được bảo đảm, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Quan hệ với các đối tác tiếp tục được mở rộng, thiết thực và hiệu quả; ký kết và triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do. Vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Bên cạnh đó Thủ tướng cũng chỉ rõ rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực.
Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có những bứt phá lớn. Chưa phát huy được đầy đủ, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển. Văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường một số mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm. Quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Chênh lệch giàu-nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn. Thủ tướng xúc động nói: “Tôi đã đi nhiều vùng núi đồng bào dân tộc, trong đó có quê hương của đồng chí Hầu A Lềnh (Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam-PV) thấy đời sống người dân còn nhiều khó khăn lắm. Cải cải vật chất làm ra trong 10 năm có khi chỉ trận bão lũ là đi hết. Trong khi hỗ trợ của nhà nước cũng ở mức độ. Cho nên cần quan tâm đến đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để ai bị bỏ lại phía sau, đói cơm, lạt muối”.
Một số quy định pháp luật, cơ chế chính sách còn bất cập
Cũng theo Thủ tướng, một số quy định pháp luật, cơ chế chính sách còn bất cập, thực thi có nơi chưa nghiêm. Hiệu quản quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao, chưa bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường có nơi diễn biến phức tạp, tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề.
Từ những vấn đề trên, theo Thủ tướng đã cho thấy về 5 bài học kinh nghiệm. Theo đó, bảm đảm mối tương quan hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng và ổn định, kiên trì ổn định vĩ mô, khắc phục nguy cơ tụt hậu, giải quyết các mối quan hệ trọng tâm về kinh tế. Bài học kinh nghiệm thứ hai được Thủ tướng nhắc đến là thực sự coi trọng phát triển văn hóa, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế. Coi giáo dục đào tạo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thứ ba là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt. Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân.
Thứ tư là thực hiện tốt công tác dự báo, đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình thế giới, khu vực, để có những quyết sách, hành động nhanh chóng, quyết liệt, phù hợp. Thứ năm là giữ vững ổn định chính trị, an ninh, bảm đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và nền kinh tế tự chủ, có khả năng thích ứng và chống chịu cao.
Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu quả
Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng cho rằng, cần nâng cao chất lượng thể chế, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, hiên đại, hội nhập. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực và hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất về phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến khát vọng vươn lên của cả dân tộc, đất nước. “Khát vọng không chỉ ở Hà Nội, tức là chỉ lãnh đạo, mà khát vọng đó phải được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền, người dân. Ở đây chúng ta cần nhớ đến bài học kinh nghiệm của Bác Hồ đã nói: Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết, thành công thành công, đại thành công”-Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trước sự tham dự của các cán bộ đảng viên ở các điểm cầu học tập trên toàn quốc, Thủ tướng đề nghị: “Chính quyền các cấp phải lo cho người dân trong xóa đói giảm nghèo, không được thấy khó khăn là bàn lùi. Có cụ bà hơn 80 tuổi, đạp xe nhiều cây số để xin đưa ra hỏi hộ nghèo, đó là tinh thần thoát nghèo vươn lên, phải có tinh thần khát vọng dân tộc vươn lên để đến năm 2045 nước ta trở thành nước hiện đại theo định hướng XHCN”. Cùng với đó, không để tham nhũng trong vấn đề đất đai, mất cán bộ, rồi thất thoát, lãng phí. Đặc biệt cần chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, không để đối tượng thù địch lợi dụng mà kích động, chống phá.