Sáng 19/10, tại Hà Nội, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm “Khát vọng Việt Nam” góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam
Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại tọa đàm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cùng lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tham dự.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XII như phát triển kinh tế, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng KHCN; phát huy yếu tố văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam như một yếu tố động lực phát triển đất nước; vấn đề dân chủ trong thời kỳ bùng nổ Internet, vấn đề giám sát và phản biện, phòng chống tham nhũng.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, buổi tọa đàm nhằm tìm ra những giải pháp mới để phát triển kinh tế mà trọng tâm ứng dụng khoa học công nghệ để khoa học công nghệ trở thành giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế.
Gợi ý về nội dung góp ý tại tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tập trung làm rõ những vấn đề tại sao nhiều doanh nghiệp chưa đẩy mạnh ứng dụng KHCN? Nguyên nhân chính là gì? Trong khi phần lớn công nghệ ở doanh nghiệp hiện nay đã lạc hậu mà họ không chịu đổi mới? Năng suất lao động phụ thuộc vào đâu, có hay không việc doanh nghiệp không cần KHCN mà vẫn cạnh tranh được vì họ tập trung sử dụng lao động giá rẻ? Cuối cùng là vấn đề cơ chế, chính sách, kinh phí cho KHCN phát triển. Như vậy, khi làm rõ được chuỗi vấn đề về phát triển KHCN chúng ta sẽ có được câu trả lời rõ ràng cho đường hướng phát triển KHCN trong những năm tới.
GS-TS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định, Việt Nam có khát vọng lớn lao về KHCN. Điều này thể hiện rõ nhất ngay từ những năm chiến tranh, đất nước còn khó khăn nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển KHCN, huy động sự vào cuộc của nhiều nhà khoa học tài năng.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệu phát biểu tại tọa đàm.
GS Hiệu cho rằng, những giải pháp đột phá trong ứng dụng KHCN cũng đã được Đảng xác định rõ. Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã đổi mới mang tính đột phá, trong đó có việc thành lập các trung tâm tiên tiến, xuất sắc. Dự kiến đến năm 2020 sẽ thành lập 20 trung tâm tiên tiến.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề, phải nhận thức tương lai đòi hỏi gì thì chúng ta đáp ứng cái đó. Đại hội là để tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ 5 năm trước, nhưng dự thảo tổng kết còn quá đơn giản, chỉ 3 trang trong khi 5 năm qua có nhiều sự kiện, tình huống, nhiều vấn đề chiến lược xoay chuyển rất rõ. Việc đánh giá về tình hình khó khăn cũng phải đánh giá rõ ràng, đầy đủ hơn, để bước vào giai đoạn chuyển đổi. Cần có đánh giá thực sự đúng về tình hình hiện nay. Việc tái cơ cấu trong mấy năm qua thực hiện vật lộn nhưng chưa hiệu quả. Dự thảo phải đánh giá đúng, như thế mới xác định được đường hướng phát triển đất nước cho 5 năm tới.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
phát biểu tại tọa đàm.
Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng nhiều chỉ tiêu mà Đại hội XI chỉ ra đã không thực hiện được. Mục tiêu chiến lược về cơ bản đưa nước ta thành nước CNH-HĐH theo hướng hiện đại vào năm 2020 là không đạt được. Vậy thì phải chỉ rõ nguyên nhân, do mục tiêu cao quá, hay do việc tổ chức thực hiện chưa ổn. Chưa đạt được thì phải đánh giá, kiểm điểm nghiêm túc thì dân mới tin tưởng.
Ông Thiên cũng cho rằng, ngoài nguyên nhân tồn tại đã nêu trong dự thảo, còn có một số nguyên nhân chủ yếu khác. Như cách xác định mục tiêu chiến lược còn thô sơ, đơn giản, thiếu tính cam kết với xã hội, với nhân dân. Cách tiếp cận đến mục tiêu chiến lược này có thể có một số sai lầm về nguyên tắc, ví dụ như để cho một số tập đoàn nước ngoài tham gia vào xây dựng hạ tầng lớn, làm chậm tiến độ, đẩy chi phí lên cao, rõ nhất là dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ gây tốn kém. Ngoài ra, đánh giá chưa đúng sức cản trở thể chế.
Việc chịu trách nhiệm cá nhân rất yếu, nhiều sai sót nhưng không ai chịu trách nhiệm, dịch vụ công kém chất lượng, nhiều vấn đề yếu kém nội tại chưa đẩy lùi được như lãng phí, tham nhũng, lệ thuộc quá mức vào kinh tế nước ngoài..
“Tất cả những vấn đề này phải kiểm điểm nghiêm túc, đầy đủ thì nhân dân mới tin. Chỉ có tổng kết, đánh giá đầy đủ thì mới làm rõ được nền kinh tế chúng ta sau 30 năm đổi mới, hơn 10 năm hội nhập mạnh-yếu thế nào, từ đó mới đĩnh đạc bước vào giai đoạn mới được.”, ông Thiên khẳng định.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề, tại sao 30 năm đổi mới chúng ta vẫn chưa xây dựng được nền tảng của một nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa? Nếu chưa xây dựng được thì rất khó cất cánh. Trong khi đó, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn.
Quang cảnh tọa đàm.
“Tụt hậu xa hơn là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chưa chú ý đúng mức đến vấn đề KHCN, nhân lực”, ông Thiên nói.
Về nhiệm vụ 5 năm tới, ông Thiên khẳng định, kinh tế Việt Nam sẽ hội nhập rất sâu, nhưng dự thảo văn kiện chưa làm rõ những đặc thù của giai đoạn tới. Chúng ta phải xác định rõ được định hướng phát triển của mình. Trong mô hình tăng trưởng tới đây, định hướng CNH-HĐH cần nhấn mạnh hơn khía cạnh hiện đại hóa, hướng đến những đô thị hiện đại chứ không chỉ “nhăm nhăm” vào những dự án sắt thép, xi măng, thiếu công nghệ.
Cùng với đó ông Thiên đề nghị cần phải có giải pháp để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tận dụng các cơ hội hội nhập quốc tế nhưng không được để lệ thuộc kinh tế thế giới. Muốn làm được điều này chúng ta phải có những năng lực lớn và văn kiện phải chỉ ra được.
Để hạn chế nguy cơ tụt hậu, ông Thiên cũng cho rằng cần tập trung đầu tư cho KHCN, nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cần phát triển chương trình khởi nghiệp quốc gia, như là một nhiệm vụ then chốt được nêu trong văn kiện. Vì nếu không tăng cường hỗ trợ các DN tiếp cận, ứng dụng KHCN thì không thể phát triển theo hướng được.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tỉnh Thanh Hóa
phát biểu tại tọa đàm.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tỉnh Thanh Hóa cho rằng khối DN tư nhân đang bị phân biệt đối xử, không được đánh giá đúng, trong khi đó, đóng góp của DN tư nhân chiếm tới 40% GDP vì vậy, trong văn kiện cần chỉ rõ vai trò của DN tư nhân, khẳng định sự bình đẳng giữa DN tư nhân và DNNN. Văn kiện cần chỉ rõ, trừ những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng thì ưu tiên DNNN, còn lại tất cả phải được bình đẳng giữa DN tư nhân và DNNN vì chúng ta đang hướng đến phát triển kinh tế thị trường.
“Cần bỏ khái nhiệm DN ngoài nhà nước, vì mọi cống hiến, đóng góp của doanh nhân là vì đất nước, nhân dân. Doanh nhân chúng tôi không phải từ trên trời rơi xuống, không phải là nằm ngoài nhà nước này. Vì vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn trong xã hội, trong sự phát triển đất nước, lực lượng hùng hậu, vì vậy cần bổ sung lực lượng này vào liên minh khối đại đoàn kết dân tộc, thành liên minh công-nông-trí-doanh”, ông Đệ nói.
Một số hình ảnh tại tọa đàm: