Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tham gia thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác thi đua, khen thưởng hiện nay còn tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân, giai tầng xã hội. Nếu phong trào thi đua được phát động mạnh mẽ theo chuyên đề hằng năm, hằng quý, nhất định tình hình sẽ tốt hơn.
Tránh bệnh hình thức trong thi đua khen thưởng
Cảnh báo việc đã có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm, Chủ tịch nước cho biết: “Khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy định. Khen thưởng phải phù hợp chứ không phải chú trọng khen thưởng nhưng lại không chú trọng thi đua”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đề nghị cần có những chế tài mạnh, quy trách nhiệm rõ ràng tổ chức, cá nhân trong quá trình trình thi đua, khen thưởng. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức là vấn đề rất lớn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở lĩnh vực thi đua, khen thưởng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các đơn vị, ngành chức năng nên có hình thức tôn vinh những cá nhân, tổ chức, các tuyến đầu và tuyến sau trong phòng, chống Covid-19.
“Vận động cả cụ già ủng hộ từng quả trứng gà, bán cả mảnh đất để hỗ trợ. Những hình ảnh tuyệt vời này mình nên có tôn vinh cá nhân, tập thể, coi như tấm gương thôi thúc dân tộc chúng ta nhân văn, thương yêu đoàn kết. Ngoài bác sĩ, công an, quân đội còn nhiều nhà thiện nguyện, hy sinh lớn lao lắm, có tôn vinh được không? Nhiều người đóng góp không tính toán gì”, Chủ tịch nước nói.
Là người từng công tác tại 4 địa phương, 2 cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng: Ở Trung ương thường quan tâm việc khen thưởng hơn địa phương. Tại địa phương suy tôn đơn vị nào được cờ, cá nhân nhận bằng khen rất khó khăn, phải động viên họ mới nhận. Kể câu chuyện có thật: Tại Trung ương, đã có cơ quan lãnh đạo nhận một suất khen thưởng, suất còn lại mới dành cho cấp dưới bình xét trong số những người còn lại. Do đó, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương Đỗ Văn Chiến đề nghị: Phải làm sao đưa được vào luật nguyên tắc khen thưởng, cấp dưới cần được động viên, khen thưởng nhiều hơn cấp trên. Bởi sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, thành tích là của nhân dân. Cho nên cấp dưới khen thưởng ít hơn cấp trên thì chưa thật sự hợp lý.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, thành tích để làm hồ sơ thủ tục khen thưởng phụ thuộc vào năng lực của cán bộ thi đua khen thưởng. Thực tế có đơn vị thành tích “vừa phải” nhưng “viết rất nổi”. Còn đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng khó khăn năng lực trình độ có hạn thì “thành tích là có thật” nhưng viết “không nổi”. Từ đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, làm sao bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thi đua khen thưởng. Nhất là hiện nay ta đang “khen thưởng là chính” còn “thi đua”thì chưa.
Cần tặng Huân chương cho đồng bào dân tộc thiểu số
Cùng nêu quan điểm về công tác thi đua khen thưởng, tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng: Ban soạn thảo dự án luật cần nghiên cứu chỉnh sửa lại Điều 48 để hoàn chỉnh hơn. Theo đó, luật nên viết ngắn gọn là “Huân chương Đại Đoàn Kết tặng cho cá nhân có công lao to lớn cho sự nghiệp Đại Đoàn Kết dân tộc”.
Lý giải, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dẫn chứng: Điều 48 quy định: “Huân chương Đại Đoàn Kết để tặng cho nhân sĩ, trí thức, chức sắc, tôn giáo và cá nhân có công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp Đại Đoàn Kết” là không đầy đủ. Bởi chức sắc tôn giáo, người có uy tín được cấp tỉnh công nhận và khen thưởng nhưng đồng bào dân tộc thiểu số thì không.
Vì thế, ông đề nghị sửa thành: Các cá nhân ở bất cứ lĩnh vực nào nếu có thành tích về vấn đề này đều được tặng thưởng Huân chương Đại Đoàn Kết.
Ủng hộ khoản 3, khoản 5 Điều 82 của dự thảo luật, theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến như vậy đã thể hiện sự công bằng. Tuy nhiên, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là do Quốc hội bầu. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét ở góc độ nào đó chức trách, vị thế còn lớn hơn Bộ trưởng nhưng thẩm quyền lại không bằng Bộ trưởng trong công tác thi đua khen thưởng.
“Do đó, đề nghị khoản 5 Điều 82 cần thể hiện đầy đủ hơn để bao quát được hết người có công lao đóng góp cho Quốc hội. Bởi, hoạt động của Quốc hội cũng chính là các ĐBQH đang thực hiện nhiệm vụ chính trị của họ; do đó họ cũng cần được khen thưởng”- Chủ tịch Đỗ Văn Chiến phân tích và đề nghị.
Điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc
Sáng 23/10, tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Điện ảnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Công nghiệp điện ảnh và phát triển đất nước có vị trí quan trọng. Nhiều nước đi từ công nghiệp điện ảnh để quảng bá đất nước, trong đó ở châu Á có Hàn Quốc.
“Khi Hà Nội những buổi chiều chủ nhật vắng tanh thì người ta ở nhà xem phim Hàn Quốc. Sự thu hút mạnh mẽ như vậy. Cho nên vai trò của công nghiệp điện ảnh với phát triển đất nước rất lớn.
Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - thì đây là một loại hình văn hóa, loại hình nghệ thuật thì có làm được vai trò, nhiệm vụ đó không?” - Chủ tịch nước nhấn mạnh điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam.
Do đó, để phát triển điện ảnh, Chủ tịch nước cho rằng cần phải tạo ra hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường. Việc xây dựng luật cần dài hơi hơn, khuyến khích xã hội hóa, mọi tổ chức, cá nhân được làm phim trên cơ sở khung pháp lý Nhà nước quy định.
C.Đ.