Việc xây dựng Công viên bãi giữa sông Hồng được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn thú vị, là không gian mở của Thủ đô.
Bãi giữa và ven sông Hồng đoạn qua các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ của Hà Nội là một không gian tự nhiên rất đặc biệt. Tuy nhiên, dù được đánh giá cao nhưng rào cản lớn nhất trong việc hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là Luật Đê điều và Luật Đất đai.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) cho rằng, việc tháo gỡ về cơ chế và chính sách là một trong những vấn đề đầu tiên, để biết được làm cái gì và không được làm cái gì đối với bãi giữa sông Hồng. Khi đó, các nhà kiến trúc, nhà nghiên cứu mới đưa ra được những phương án khả thi trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cũng cho rằng, việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan trong quá trình triển khai thực hiện là yếu tố quan trọng. Là cơ sở pháp lý đảm bảo tính thống nhất, nguyên tắc trong cả quá trình triển khai thực hiện.
Theo ông Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội, Hà Nội cũng đang đề xuất vào Luật Thủ đô, cho phép được quyền quyết định một số cơ chế chính sách để phát triển, trong đó có khu vực sông Hồng.
Vậy đâu sẽ là bài toán thích hợp về mặt quy hoạch và kiến trúc cho toàn cấu trúc trục sông Hồng nói chung và bãi giữa, bãi bồi ven sông nói riêng?
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, khi thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông, cần có giải pháp bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập cảnh quan đô thị hai bên sông. Kiến trúc ven sông phải khai thác tối đa những ưu thế và những khác biệt của khung cảnh thiên nhiên ven sông cùng với mục đích để tạo nên dấu ấn của nền văn hóa Thăng Long.
“Cần quan tâm đến tác động của một khu đô thị tới môi trường. Nhất là sức chịu tải của bãi bồi, khi nơi đây trở thành địa điểm văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí lớn, không chỉ của cư dân Thủ đô mà mọi du khách khi đến với Hà Nội” - ông Chính lưu ý.
Những kịch bản cho tương lai của bãi giữa và trục sông Hồng đã được nhiều chuyên gia, kiến trúc sư… đưa ra. Tinh thần chung là khai thác một cách hài hòa với thiên nhiên, con người và những yếu tố cấu thành văn hóa nơi đây.
Kiến trúc sư Vũ Hồng Thủy - nguyên Giám đốc VP Dự án, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam cho rằng, khi bãi giữa sông Hồng trở thành một công viên văn hóa, sẽ mang đến nhiều giá trị khác nhau cho Hà Nội. Tuy nhiên, bài học từ quản lý đô thị nhắc nhở rằng phải “lấy dân làm gốc”, có nghĩa là cần có giải pháp hiệu quả cải thiện cuộc sống của người dân ở đó. Việc xây dựng Công viên Văn hóa - Cảnh quan trên bãi giữa sông Hồng không phải chỉ để mang đến một sản phẩm để khai thác. Nó phải tạo ra những giá trị tinh thần, những cơ hội mới cho cuộc sống hạnh phúc của nhân dân Hà Nội nói chung và các phường sinh sống ven sông nói riêng.
Còn theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, để khai thác phát triển du lịch tại khu vực bãi giữa sông Hồng, cần xây dựng quy hoạch, đầu tư và quản lý hoạt động tham gia du lịch tại khu vực này một cách bài bản. Việc đầu tư, khai thác cần đảm bảo an toàn cho các hoạt động mùa mưa lũ, không làm thay đổi dòng chảy. Cần thiết xây dựng bản đồ chỉ dẫn các địa điểm tham quan, dạo bộ trong công viên, vui chơi, tập thể thao, giải trí, trải nghiệm nông nghiệp…