Xã hội

Khi bãi triều bị lấn chiếm

Nhóm PV Đông Bắc 19/01/2024 09:26

Hàng trăm héc ta bãi triều dọc vùng biển từ khu vực giáp ranh với huyện Hải Hà đến xã đảo Vĩnh Trung (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) bị lấn chiếm để nuôi thủy sản. Mặc dù không nằm trong vùng quy hoạch nuôi, nhưng các bãi triều này đều bị đóng cọc, quây lưới thành những “ma trận” nuôi trồng thủy sản trái phép.

anh-1.jpg
Những chiếc lồng bè nuôi cá mới đóng tiếp tục mọc lên tại khu Cống Cách, xã Vĩnh Trung. Ảnh: N.Qúy.

Mạnh ai người đấy chiếm

Chiếc xuồng máy chở chúng tôi xuất phát từ bến Mũi Ngọc hướng về phía đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái). Vừa rời bến được vài chục mét, trước mắt chúng tôi là một chương cát rộng án ngữ giữa luồng Cửa Vườn (luồng lạch chính để tàu thuyền ra vào bến Mũi Ngọc). Khoảng chục người đang lúi húi trên bãi, trông xa dễ lầm tưởng với những người đào ngao, hay đào sá sùng. Nhưng không phải.

“Đó là những người làm thuê cho chủ bãi. Họ được thuê đến để xuống giống ngao hoa” - người lái xuồng cho biết.

Nơi này vốn là khu vực khai thác tự nhiên của ngư dân xã Vạn Ninh. Từ trước năm 2020 đã thấy xuất hiện 1 hộ dân ra đây quây bãi nuôi hàu, nuôi ngao. Khi dịch Covid-19 bùng phát không thấy hộ này ra nuôi nữa, cho đến gần đây mới xuống giống trở lại. Khu vực nuôi được “chủ bãi” đánh dấu bằng giàn phao nổi. Nước cạn thì lộ bãi nuôi, nước lên thì người điều khiển phương tiện thủy tự nhìn thấy giàn phao nổi mà tránh, rẽ sang hướng khác. Việc quây chương bãi này là tự phát, không cơ quan quản lý nào cấp phép cho nuôi trồng thủy sản ở khu vực này.

Đảo Vĩnh Thực có diện tích tự nhiên khoảng 5.000 ha, về mặt hành chính gồm 2 xã Vĩnh Thực và Vĩnh Trung, đều thuộc TP Móng Cái. Nhưng về điều kiện tự nhiên để nuôi trồng thủy sản, các bãi triều xã Vĩnh Trung thuận lợi hơn nhiều vì không nằm trong luồng hàng hải như xã Vĩnh Thực.

Đứng trên cảng Cái Vĩnh (thôn 2, xã Vĩnh Trung) vào lúc nước thủy triều cạn, dễ dàng nhìn thấy cảnh tượng “ma trận” cọc tre, gỗ cắm xuống biển. Hàng trăm hécta bãi triều trước mắt chúng tôi không còn một chỗ trống.

Chị D., một người dân thôn 2 (xã Vĩnh Trung) cho biết: Trước đây nghề chính của chị là cuốc sâu đất, đào ngao trên các bãi triều từ Bãi Tùng đến khu vực Cống Cách, Cửa Đài. Chính những bãi triều dài rộng này là nơi nuôi sống gia đình chị. Nhưng từ năm 2015, khi một vài hộ nuôi ngao hai cùi cho hiệu quả kinh tế cao thì rất nhiều hộ dân tại địa phương và một số người nơi khác đã đổ xô ra bãi triều đổ cát, cắm cọc, lấn chiếm làm nơi nuôi trồng thủy sản. Đến khoảng năm 2020 trở về đây thì tất cả bãi triều trên xã Vĩnh Trung bị quây kín. Những người làm nghề khai thác tự nhiên trên các bãi triều như chị D. lại trở thành nhân công cho các “ông chủ” bãi.

Đi theo con đường xuyên đảo từ đầu đến cuối xã Vĩnh Trung, cảnh tượng tương tự xuất hiện dọc các bãi triều. Từ Vụng Dầm, Cống Cách, Bãi Tùng, Bãi Đai (thôn 3 - khu vực giáp ranh với các xã Vạn Ninh, Hải Đông, Hải Tiến), đến khu vực Núi Lẻ, Núi Am (thôn 2), bãi Cái (thôn 3), Núi Lở, Núi Mõm Kìm (thôn 4)… với diện tích hàng trăm héc ta đã bị nhiều người đổ cát, cắm cọc tre, gỗ phân chia thành từng khu vực để nuôi các loại nhuyễn thể như ngao, hàu. Lồng nhựa, phao xốp chất đống trên bờ để phục vụ cho những vụ nuôi, xuống giống sắp tới.

Nhiều người dân xã Vĩnh Trung cho biết, hiện nay hầu hết diện tích bãi triều trên địa bàn xã đã có chủ, trong đó có những gia đình có diện tích từ vài chục đến hàng trăm héc ta. Người dân đã phản ánh đến chính quyền xã. Xã đã tổ chức đi nhổ, chặt cọc tre, gỗ tại các khu vực bãi triều, nhưng diện tích bị lấn chiếm vẫn ngày một lan rộng.

Trên thực tế, đã xảy ra những cuộc xung đột giữa người dân khai thác tự nhiên trên bãi triều với các “ông chủ” chiếm bãi làm nơi nuôi trồng thủy sản, mà phần thua luôn thuộc về ngư dân truyền thống.

anh-2(1).jpg
Nhiều người thả ngao giống ngay trên chương cát giữa luồng Cửa Vườn (xã Vạn Ninh). Ảnh: N.Qúy.

Càng cấm, càng lan rộng

Không phải đến bây giờ người dân xã đảo Vĩnh Trung mới lên tiếng về việc những bãi triều ven biển bị chiếm đóng thành các bãi nuôi trồng thủy sản.

Anh P.V.T. - một người dân xã Vĩnh Trung, cho hay: “Tình trạng người dân tự ý đổ cát, cắm cọc, quây bãi để nuôi trồng thủy sản tại các bãi triều ở xã diễn ra từ rất lâu rồi. Năm 2012 cả xã chỉ có một vài hộ tại địa phương lấn chiếm bãi triều, đến năm 2015 thì nhiều hộ dân đã đổ xô ra đổ cát, cắm cọc, quây lưới chiếm bãi”.

Cũng theo anh T., việc người dân tự phát cắm cọc, quây bãi, lấn chiếm bãi triều đã ảnh hưởng đến luồng lạch của tàu, thuyền qua lại, xâm hại rừng phòng hộ, ảnh hưởng đến việc khai thác hải sản tự nhiên của người dân địa phương. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền xã, nhưng tình trạng này không những không được ngăn chặn hiệu quả, mà diện tích bãi triều bị lấn chiếm đang ngày càng lan rộng.

Tìm hiểu tại UBND xã Vĩnh Trung, trong khoảng từ năm 2015-2017, trên địa bàn xã Vĩnh Trung có 40-50 hộ lấn chiếm bãi triều làm các khu nuôi nghêu, ngao, hàu, hà trái phép. Sau nhiều lần xã ra quân xử lý, đến tháng 7/2018 trên địa bàn xã còn 43 hộ dân lấn chiếm bãi triều để nuôi trồng thủy sản, nhưng đến cuối năm 2018, số hộ chiếm bãi triều đã tăng lên tới 71 hộ, diện tích lấn chiếm trái phép khoảng 105ha.

anh-3.jpg
Lồng nhựa, phao xốp chất đống trên bờ để phục vụ cho những vụ nuôi, xuống giống sắp tới. Ảnh: N.Qúy.

Khi PV Báo Đại Đoàn Kết đề nghị được cung cấp số liệu lấn chiếm bãi triều ở thời điểm hiện tại, ông Hứa Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung và cán bộ địa chính đều từ chối cung cấp. Lý do được ông Mạnh nêu: “Không phải lĩnh vực tôi phụ trách”. Còn lý do được cán bộ địa chính đưa ra là: “Xã đang hoàn thiện hồ sơ” (?).

Phê bình rồi đâu lại vào đó

Được biết, từ ngày 4/6/2018, UBND TP Móng Cái đã ra văn bản số 1385 về việc quản lý diện tích đất mặt nước tại Bãi Tùng: Không đồng ý với việc cho các hộ dân thuê đất, mặt nước để nuôi nhuyễn thể tại khu vực này và giao cho xã Vĩnh Trung, các phòng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác thủy sản hủy diệt và các tài nguyên khoáng sản khác tại khu vực Bãi Tùng (xã Vĩnh Trung).

Ngày 16/6/2018, UBND TP Móng Cái đã có buổi làm việc với xã Vĩnh Trung và các ngành chức năng kiểm tra công tác quản lý nuôi trồng thủy sản tại xã. Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố khẳng định: việc người dân tự lấn chiếm bãi triều ven biển để nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và có nguy cơ lan rộng. 100% các hộ nuôi đều tự phát, không được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thuê mặt nước và cấp phép nuôi trồng thủy sản. Nguồn cung cấp giống nhuyễn thể, cát xốp đều không được các cơ quan chức năng và chính quyền xã kiểm soát. Do đó dễ xảy ra xung đột giữa những người nuôi và người khai thác tự nhiên, là nguy cơ trở thành điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn xã.

TP Móng Cái đã phê bình Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung trong công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản, để xảy ra tình trạng tự ý lấn chiếm bãi triều với diện tích lớn, không kịp thời xử lý, ngăn chặn; yêu cầu xã Vĩnh Trung thông báo tới các hộ nuôi giữ nguyên hiện trạng, không phát triển thêm, triển khai cho 100% hộ nuôi ký cam kết giữ nguyên hiện trạng đến hết năm 2018, sau đó tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu cho đất rừng phòng hộ, luồng lạch giao thông đường thủy.

Thật đáng tiếc là 5 năm qua, người dân đảo vốn hiền lành, chất phác cũng đã dần quen với việc bãi triều không còn là “của chung” để khai thác hải sản tự nhiên nữa. Nói như người dân ở đây thì thay vì cấm để rồi càng mọc lên nhiều hơn những bãi triều quây trái phép, tại sao chính quyền không có cơ chế để tạm giao mặt nước, bãi triều, lấy số tiền thuế, phí đó xây dựng những công trình phục vụ dân sinh trên đảo?

Được biết hiện nay trên địa bàn xã Vĩnh Trung còn 102 hộ khoanh bãi nuôi hàu, hà, ngao trái phép với tổng diện tích khoảng 150ha. Ngoài ra, tại khu vực Cống Cách, còn có 15 hộ nuôi cá lồng bè với 17 ô lồng. Đối với 15 hộ nuôi cá lồng bè khu vực Cống Cách, TP Móng Cái đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thông báo di chuyển đến khu vực được quy hoạch nuôi tại Hòn Sơn, xã Vạn Ninh, hạn đến hết tháng 2/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi bãi triều bị lấn chiếm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO