Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Khi bệnh viện tuyến dưới làm tốt

Minh Quang 25/12/2024 08:54

Mới đây, chỉ sau 2 ngày được điều trị đúng phác đồ, bệnh nhân bị ngộ độc sau bữa ăn tại Trung tâm Hội nghị Almaz được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Điều này cho thấy vai trò của y tế cơ sở. Rõ ràng nếu tuyến dưới làm tốt, sẽ không ai muốn “vượt tuyến” lên các bệnh viện tuyến trên.

Lâu nay, việc quá tải bệnh viện tuyến cuối vừa ảnh hưởng đến chất lượng, vừa dễ nảy sinh tiêu cực. Đến các bệnh viện tại Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn sẽ thấy sự quá tải rất rõ. Tình trạng vài bệnh nhân một giường rất phổ biến; người nhà bệnh nhân nằm, ngồi vạ vật bên hành lang, lối đi... khiến cả lãnh đạo bệnh viện cho tới các bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều căng thẳng, áp lực.

Quá tải bệnh viên luôn song hành với tình trạng chất lượng khám, chữa bệnh khó đạt chuẩn. Cùng một thời gian, một bác sĩ thay vì chỉ điều trị hoàn chỉnh cho 1 bệnh nhân thì nay là 10, thậm chí 20 bệnh nhân. Tình trạng quá tải bệnh viện, khám, chữa bệnh vượt tuyến cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho giao thông đô thị bị tắc nghẽn, kèm theo đó là sự nhũng nhiễu, vòi tiền bệnh nhân của một bộ phận y bác sĩ thiếu y đức.

Bên cạnh đó, tình trạng mất an ninh trật tự trong các bệnh viện cũng là một vấn đề nhức nhối. Tại nhiều bệnh viện, đội ngũ “cò” đã lợi dụng tình trạng quá tải để ngang nhiên hoạt động, lừa bệnh nhân đến những phòng khám tư, hoặc dùng những chiêu trò để kiếm khoản tiền ăn chặn từ bệnh nhân.

Dù ngành y tế đã sớm có đề án về bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2030, trong đó đã xác định nhiều giải pháp khá đồng bộ để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, song trên thực tế vẫn cần nhiều thời gian để giải quyết tình trạng này một cách triệt để.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, quá tải bệnh viện tuyến cuối là tình trạng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân vượt quá khả năng chịu tải của các bệnh viện tuyến cơ sở. Đối với dịch vụ nội trú, tỷ lệ sử dụng giường bệnh nội trú và tỷ lệ giường nằm ghép, đối với dịch vụ ngoại trú là lưu lượng và thời gian chờ đợi của người khám chữa bệnh ngoại trú. Tình trạng quá tải bệnh viện tuyến cuối xảy ra khi chuỗi chăm sóc sức khỏe hoạt động thiếu hiệu quả. Bên cạnh hệ thống chuyển tuyến hiện được đánh giá thiếu hiệu quả, tình trạng cạnh tranh thu hút bệnh nhân trong nội bộ hệ thống y tế vẫn tương đối phổ biến.

Để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2348 năm 2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó đã quy định: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sĩ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở; thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn đến năm 2030...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên mới đây khẳng định, năm 2025, ngành y tế nói chung và lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế nói riêng dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội lớn để đổi mới và cải thiện. Trong đó, toàn ngành đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, mục đích giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, hiệu quả nhất, nâng cao năng lực y tế cơ sở. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ quy định hàng rào kỹ thuật để đảm bảo tuyến trên không bị quá tải.

Cùng đó là việc thúc đẩy các dự án trọng điểm, tiếp tục giám sát, đôn đốc các dự án trọng điểm, đặc biệt là cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2025. Từ đó giúp giảm áp cho các bệnh viện tuyến trung ương lâu nay oằn mình quá tải bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi bệnh viện tuyến dưới làm tốt