Hết ngày 3/7, các trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội đã chốt hồ sơ tuyển sinh. Như vậy, cánh cửa trường công đã chính thức khép lại. Đây cũng chính là cái mốc đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời của những đứa trẻ bắt đầu bước sang tuổi 15.
Nhiều phụ huynh có con em ở mức điểm “cận” chuẩn tỏ ra ân hận vì đã không giúp con tính toán kỹ khi làm hồ ớ dự tuyển. Có người tính đến phương án cho con thi lại thêm một năm lớp 10, nhưng lại ngại ngần vì từ năm 2019 thi tuyển vào lớp 10 THPT theo hình thức tổ hợp sẽ khó hơn gấp nhiều lần.
Có những phụ huynh ngậm ngùi cho hay, sau khi con trượt lớp 10 trường công, cả gia đình đã ngồi bàn tính nhiều lần, phương án học nghề lập nghiệp sớm cũng đã được đưa ra. Nhưng rõ ràng, với một đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới thì việc bắt con học nghề sớm, không giải giải pháp tối ưu. Dù thế nào cũng nên tạo điều kiện để con trẻ được học hết bậc học phổ thông. Vậy là phải đi tìm trường ngoài công lập.
Yêu cầu phải “cân não” cũng bắt đầu từ thời điểm này. Bởi trường ngoài công lập hiện chia làm nhiều hạng. Có những trường chất lượng cao thì học phí cũng rất cao - ngoài khả năng chi trả của những gia đình thu nhập trung bình.
Ngược lại, có những trường học phí ở mức chấp nhận được, thì chất lượng học sinh đầu vào, cùng chất lượng dạy và học lại thấp. Chưa kể hình thức tuyển sinh của những trường ngoài công lập lâu nay cũng mang hơi hướng thị trường, “giữ chân” người học bằng tiền đặt cọc, hoặc làm khó dễ khi học sinh và gia đình có nhu cầu rút hồ sơ chuyển trường.
Xã hội hóa giáo dục góp phần chia sẻ gánh nặng với giáo dục công lập, tạo cơ hội cho nhiều người được đi học. Việc quyết định cho con học ở một môi trường nào, hẳn sẽ có ảnh hướng lớn đến tương lai của trẻ. Song điều dễ nhận thấy là chừng nào xã hội hóa giáo dục vẫn tạo ra hai dòng chất lượng “vênh” nhau rõ rệt, thì người học sẽ còn chuộng học ở trường công.
Trong khi việc gia tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội đang nhìn thấy rõ, nhưng trường công không hề được mở mang thêm, thì không riêng gì lứa tuổi “Dê vàng” thi năm 2018, mà những năm sau này, áp lực thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội còn là gánh nặng, còn là nỗi lo dài dài.
Cánh cửa trường công lớp 10 khép lại, khiến nhiều đứa trẻ từng là bạn học, thậm chí còn là hàng xóm nay đi học mỗi bạn một đường. Có những bạn may mắn trong cuộc đua nghẹt thở vào lớp 10 đã trúng tuyển nguyện vọng 1 vào một trường gần nhà. Bạn khác kém may mắn hơn nay phải học ở trường nguyện vọng 2 rất xa nhà. Và cũng có những bạn phải đi tìm trường ngoài công lập, mỗi sáng sẽ phải dậy thật sớm để trải qua chặng đường đến trường hơn 10 km. Trong khi mong muốn của chúng là sẽ được học cùng nhau cho đến hết bậc học phổ thông.
Chặng đường đi học của những đứa trẻ ấy được đo bằng điểm bài thi của học sinh, chứa trong đó có cả mồ hôi, nước mắt cùng tiếc nuối muộn màng. Còn phụ huynh mang theo những băn khoăn chất chứa, không biết đến khi nào áp lực thi cử mới thôi đè nặng lên mỗi gia đình.