Khi giao dịch bất động sản (BĐS) gia tăng, ngay lập tức người ta nhắc nhiều những cụm từ như “sóng lớn”, “vỡ băng”, “ồ ạt bán mua”, “tiền chảy vào BĐS”… Cảm giác như cơn sốt BĐS đã quay trở lại. Tuy nhiên, dẫu có phấn khởi thì cũng rất cần một cái nhìn thực tế.
Tìm hiểu mua nhà.
“Phá băng” bằng chính sách
Bình luận về dòng tiền từ ngân hàng chảy vào BĐS, TS Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) cho rằng, dù các ngân hàng tích cực đẩy vốn cho vay, song điều đó cũng khó có thể làm nó tăng đột biến như trong thời kỳ tăng trưởng nóng của BĐS trước đây.
Theo ông Tín, thị trường BĐS “sốt” hoặc “đóng băng” thì cũng đều không tốt. Tuy nhiên, sự kết hợp của ngân hàng và chủ đầu tư đang mang lại lợi ích nhiều cho khách hàng. Thông tư 36 ra đời cũng là một cú hích quan trọng với thị trường BĐS. Khi mà dòng tiền được “mở cửa” thì tới thời điểm này cũng cần chú ý tới việc “bong bóng” BĐS xuất hiện.
Nhìn nhận vấn đề, giới chuyên gia cho rằng việc thị trường BĐS hồi phục và tăng tốc trong những tháng cuối năm 2015 là điều có thể thấy được. Kể từ năm 2013 tới nay, chính sách tín dụng BĐS đã cởi mở hơn; thể hiện qua hàng loạt Nghị quyết, Thông tư… Thời gian đã đủ để chính sách “ngấm” vào thị trường.
Đáng chú ý, việc kéo dài thời gian trả nợ từ 10 năm lên 15 năm cho khách hàng cá nhân, mở rộng đối tượng vay mua nhà nhằm tháo gỡ vướng mắc, tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã có tác động tích cực, cùng với việc nhiều ngân hàng thương mại đã áp dụng mức lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian từ 2 - 3 năm để khuyến khích hàng vay mua nhà, đất. Chưa hết, với Thông tư 36 ban hành ngày 20/11/2014, Ngân hàng nhà nước đã mở rộng tăng trưởng tín dụng, nhất là đối với lĩnh vực BĐS. Đó thực sự là “cú hích” đối với thị trường này.
Cũng có thể nhìn nhận nhiều tích cực từ khi Luật Nhà ở được ban hành, ngày 25/11/2014, trong đó có chính sách cho phép người nước ngoài thuê và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài có quyền thuê và sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, hoặc tối đa 250 biệt thự/nhà liền kề trong một dự án.
Cùng với sự “cởi trói” của chính sách, giới chuyên gia cũng cho rằng lần “tan băng” này của thị trường BĐS sẽ bớt rủi ro hơn khi mà chúng ta đã rút ra nhiều bài học từ 3 đợt “sốt” BĐS. Đó là các giai đoạn 1991-1993, 2001-2003 và 2005-2008.
Phấn khởi cuối năm
Thị trường BĐS đã chuyển động theo hướng tích cực, nhưng nhiều người vẫn “không dám tin”, bởi lẽ những gì vấp phải suốt một thời gian dài khiến người ta cảnh giác. Ngay cả việc tín dụng, kiều hối chảy vào BĐS cũng được cho là cần kiểm soát chặt, tránh tình trạng “vỡ bong bóng”.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, giới chuyên gia lẫn nhà đầu tư BĐS vẫn cho rằng, từ nay đến cuối năm - đặc biệt là các tháng 10, 11, 12 giao dịch BĐS sẽ sôi nổi. Đáng chú ý, tình trạng “cò quay”, đẩy giá sẽ hạn chế do tính minh bạch ngày càng rõ ràng hơn.
Những tình huống của thị trường BĐS đang diễn ra cho thấy, từ nay tới cuối năm càng ngày các chủ dự án càng “bung hàng”, các dự án “trùm mền” sẽ tiếp tục được triển khai, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện; giao dịch diễn ra sôi động. Kể từ quý III trở đi, thị trường sẽ có xung lực mới do tác động của PPP, kinh tế thế giới dần ổn định, kinh tế trong nước sáng hơn. Với sự ra đời của Luật Đất đai và Luật Nhà ở, Luật Xây dựng… thị trường BĐS hướng đến một giai đoạn phát triển mới.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, giá nhà ở đã tương đối ổn định, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là các căn hộ có diện tích nhỏ dưới 70m2. Tín dụng BĐS tăng liên tục trong cả năm. Còn theo Hiệp hội BĐS Việt Nam-VNREA thì thị trường này sẽ tích cực bởi các yếu tố: Thứ nhất là việc thay đổi luật cho người nước ngoài sở hữu nhà ở. Năm 2015, cùng với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, quy định này sẽ là động lực thúc đẩy lượng đầu tư FDI vào thị trường BĐS. Thứ hai là việc gia tăng tầng lớp trung lưu, có nghĩa là nhiều người có tiền mua nhà hơn.
Thực tế cho thấy, giao dịch BĐS tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM tới thời điểm này khá sôi nổi. Những căn hộ vị trí thuận lợi sinh hoạt bán chạy nhất, tiếp đó là những căn hộ nhỏ, lượng tiền bỏ ra ít. Tuy nhiên, cũng cần đề phòng tâm lý “hưng phấn” khi đi mua nhà vào thời điểm này, bởi nạn “cò nhà đất” đã xuất hiện, nhằm ăn chênh lệch giá. Thêm nữa, nhiều chủ dự án cũng tung chiêu trò theo kiểu hỏa mù để bán được căn hộ với giá cao.
Theo ông Trần Ngọc Quang - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS, thị trường BĐS phục hồi tích cực. Tại Hà Nội, 6 tháng đầu năm có khoảng 9.250 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 6 có khoảng 1.750 giao dịch thành công, tăng 6% so với tháng trước từ đầu năm đến nay. Tại TP HCM có khoảng 8.750 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 6 có khoảng 1.700 giao dịch thành công, tăng khoảng 6% so với tháng trước. Lượng giao dịch chủ yếu từ các căn hộ 70 - 90 m2, các nền đất và nhà riêng lẻ có vị trí tốt, đi lại thuận tiện, giá cả hợp lý. Đặc biệt, kiều hối chảy vào BĐS tăng mạnh. Trên địa bàn TP HCM, lượng kiều hối chảy vào BĐS 5 tháng đầu năm khoảng 21,8%. Tính đến ngày 20-6, tổng giá trị tồn kho BĐS cả nước còn khoảng 65.273 tỷ đồng (giảm 2.170 tỷ đồng so với thời điểm 1 tháng trước đó). |