Chùa Cầu là điểm nhấn quan trọng hàng đầu trong tổng thể quần thể di tích kiến trúc của đô thị cổ Hội An (được UNESCO ghi danh vào ngày 4/12/1999, tới nay đã gần 25 năm). Từ trước tới nay di tích này được trùng tu nhiều lần. Cuối năm 2022, dự án đại trùng tu Chùa Cầu với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng được tỉnh Quảng Nam triển khai. Đây được xem là lần trùng tu theo phương pháp hạ giải quy mô, bài bản nhất.
Đã có nhiều ý kiến khác nhau, khiến công cuộc trùng tu lần này từng đã phải tạm dừng. Đặc biệt, các ý kiến tham vấn còn cho rằng, trước khi trùng tu phải xác định rõ Chùa Cầu nguyên bản có hình dáng cong hay thẳng. Nếu không xác định rõ thì việc trùng tu sẽ không chân xác, không làm "tỏa sáng" được giá trị của công trình cổ 400 năm tuổi này. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng không đủ hình ảnh, tư liệu để khẳng định Chùa Cầu cong hay thẳng, do công trình đã qua khá nhiều lần trùng tu. Mỗi lần như vậy "bản gốc" bị mờ nhạt dần.
Được biết, từ trước tới nay, Chùa Cầu Hội An đã trải qua nhiều đợt tu bổ, vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986 và 1996.
Với lần tu bổ quy mô lần này (ý tưởng khởi đầu từ cuối năm 2022), rất nhiều hy vọng Chùa Cầu sẽ tỏa sáng trong tư cách một công trình kiến trúc cổ độc đáo giữa lòng Hội An.
Rất có thể khi “Chùa Cầu mới” chính thức ra mắt trong vài ngày tới đây sẽ nhận được nhiều ý kiến. Tuy nhiên, việc hạ giải để trùng tu di tích này là không thể tránh khỏi khi mà do sử dụng trong thời gian quá dài, gánh chịu lượng khách lớn cộng với tình hình lũ lụt ở Hội An nên cũng không thể có cách nào khác.
Từ trước tới nay, trong việc trùng tu di tích vẫn luôn nhận được nhiều ý kiến về "giao diện" mới. Điều đó cho thấy cần hết sức cẩn trọng trong việc trùng tu, cho dù đó là việc phải làm để tránh cho di tích hư hỏng. Vấn đề quan trọng là “bản gốc” và phiên bản mới có cách xa nhau quá không, có biến di tích bị biến đổi quá không khi “làm mới”.
Thực tế cho thấy, không ít di tích kiến trúc cổ đã biến dạng sau trùng tu. Không chỉ do sử dụng vật liệu quá tân kỳ mà còn xa rời hình ảnh đã quen thuộc với cộng đồng. Đã trùng tu thì ắt không tránh khỏi việc phải thêm cái mới vào. Nhưng thêm ở mức độ nào lại chính là gốc của vấn đề. Ở đây, không thể tùy tiện áp đặt cái nhìn của người đương đại vào công trình kiến trúc đã tồn tại nhiều trăm năm, mà trước khi hạ giải, xây dựng thì cần phải xác định được bản gốc một cách cẩn trọng nhất. Điều 34, Luật Di sản Văn hóa quy định: "Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích…”. Đối với những di tích quá trình trùng tu phải tháo rời thì trước khi tiến hành trùng tu cần có bản vẽ, ảnh chụp, đánh dấu các cấu kiện một cách rõ ràng, cụ thể để cho việc lắp ráp khi phục dựng lại…Thực hiện tốt việc này thì quá trình tu bổ sẽ không sợ di tích “quá mới” so với bản gốc. Và hy vọng Chùa Cầu Hội An cũng sẽ không rơi vào tình cảnh đó.