Ngày 15/2, Cục Hậu cần Quân khu 5 đã có thông báo tạm dừng mọi hoạt động tại dự án Trung tâm chẩn đoán, khám chữa bệnh đa khoa số 2 Nguyễn Hữu Thọ (TP Đà Nẵng) gửi Công ty TNHH DV-TM Trường Sơn Tùng; chờ xử lý của cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng và Quân khu 5. Lý do: Hiện dự án tại khu đất quốc phòng số 2 Nguyễn Hữu Thọ, báo chí đang phản ánh việc doanh nghiệp xây dựng công trình khi chưa được cấp phép xây dựng.
Trước đó, Công ty Trường Sơn Tùng - chủ đầu tư dự án tại khu liên hợp số 2 Nguyễn Hữu Thọ - đã có phản hồi về dự án. Theo đó, tháng 12/2016, sau khi hoàn thành xây dựng xong phần thô, theo hướng dẫn, công ty tạm dừng thi công để thực hiện các thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng. Tháng 1/2017, công ty gửi hồ sơ đến Sở Xây dựng xin phê duyệt phương án kiến trúc… “Thời gian thực hiện dự án theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Quân khu 5 đã gần 7 năm. Suốt thời gian qua, công ty đã bỏ ra chi phí quá lớn, lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch nên càng khó khăn hơn. Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” - công ty này cho biết.
Việc dừng một dự án xây dựng có lẽ cũng không hiếm do không thực hiện đầy đủ các quy định, tuy nhiên việc Trung tâm chẩn đoán, khám chữa bệnh đa khoa quy mô lớn tại Đà Nẵng như kể trên đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã hơn 2 năm và vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Trong dịch bệnh căng thẳng, xã hội lại càng thấy vai trò cực kỳ của ngành y, cụ thể là các bệnh viện, của đội ngũ thầy thuốc và của cả y tế dự phòng.
Tuy nhiên, cho dẫu có cần thiết tới đâu, có nhận được sự cảm thông tới đâu thì cũng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Xây dựng một cơ sở y tế “hoành tráng” mà chưa có giấy phép xây dựng thì đúng là khó chấp nhận, dù nhìn dưới góc độ nào. Trong câu chuyện này, thật đáng trách là công trình khởi công đã lâu nhưng các cơ quan chức năng địa phương vì lý do nào đó không hoàn thành trách nhiệm, nếu như phát hiện thấy sai phạm thì phải có ý kiến, tạm dừng từ đầu với thái độ rõ ràng. Về phía doanh nghiệp, cũng không “làm hết sức mình” để đầy đủ thủ tục pháp lý mà đã “động thổ”. Như vậy, khách quan mà nói, có lỗi của cả hai bên. Nếu như sự việc diễn biến khác đi, Đà Nẵng không thể có thêm một bệnh viện thì thật đáng tiếc.
Từ câu chuyện này có thể thấy tất cả các cơ quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp rất cần phải tuân thủ quy định pháp luật và điều đó phải được đặt lên hàng đầu. Sự phối hợp của chính quyền - doanh nghiệp cần phải chặt chẽ, minh bạch. Chính quyền phải là “bà đỡ” cho doanh nghiệp, trách nhiệm chia đều và lợi ích lợi cũng chia đều.
Pháp luật ngày càng chặt chẽ, những kẽ hở (nếu có) sẽ dần được bít kín. Kể cả những vụ “đi đêm”, những cú bắt tay ngầm sớm muộn gì cũng bị đưa ra ánh sáng. Thực tế nhiều vụ án trong những năm gần đây đã cho thấy điều đó. Vì thế, tuân thủ pháp luật, không cùng nhau mưu đồ trục lợi riêng mới có thể bền vững. Về phía doanh nghiệp, cũng đang qua rồi cái thời “đi đêm” với những viên chức hủ bại để rồi nhanh nhanh chóng chóng thu lợi. Không thể có việc chưa hoàn tất thủ tục theo quy định đã “xé rào” thực hiện dự án.
Ở đây, một điều rất quan trọng nữa là công tác giám sát. Với những dự án, nhất là dự án lớn, cần được giám sát chặt chẽ ngay từ đầu, không để phát sinh hậu quả rồi mới tìm cách hợp thức hóa hoặc là tháo gỡ, kể cả “đóng cửa”. Đến lúc đó, kể như cũng đã muộn rồi.