Sau thời gian “hụt hơi”, các gameshow truyền hình đang trở lại mạnh mẽ, phủ sóng dày đặc trên các kênh truyền hình. Thế nhưng dù đã thay đổi nhiều về nội dung, nhưng nhiều chương trình vẫn “bình mới, rượu cũ” với những chiêu trò tạo ra sự ức chế cho người xem.
“Bình mới, rượu cũ”
Sau 5 năm vắng bóng, mới đây chương trình The Face Việt Nam đã chính thức trở lại với giải thưởng cao nhất thuộc về người đẹp Tú Anh. Được đánh giá là “sân chơi” uy tín trong việc tìm kiếm và đào tạo người mẫu quảng cáo và trình diễn thời trang, The Face Việt Nam từ nhiều mùa giải qua đã quy tụ nhiều thí sinh chất lượng, bên cạnh sự tham gia đồng hành của các huấn luyện viên uy tín. Và ở mùa giải 2023, với sự tham gia của siêu mẫu, diễn viên Anh Thư; siêu mẫu, diễn viên, nhà thiết kế Vũ Thu Phương; siêu mẫu Phạm Đình Minh Triệu và Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong vai trò huấn luyện viên, The Face Việt Nam đã được kỳ vọng sẽ trình làng một dàn người mẫu mới “tài sắc vẹn toàn”. Thế nhưng xuyên suốt chương trình từ tập đầu phát sóng cho đến đêm chung kết, chương trình lại mang đến cho khán giả sự ngao ngán, thậm chí yếu tố giải trí hay chuyên môn của một chương trình thực tế gần như biến mất. Hầu như ở tập phát sóng nào, khán giả cũng đều phải xem những màn tranh cãi, gây hấn “nảy lửa” giữa các huấn luyện viên. Đỉnh điểm là chính những người “cầm cân nảy mực” của cuộc thi tuyên bố bỏ quay, bên cạnh những màn khóc lóc, kể lể… Yếu tố về thời trang, trình diễn dường như không còn được đặt nặng mà thay vào đó là những màn tranh đấu quyền lợi ngay trên sóng truyền hình.
Không chỉ The Face Việt Nam, chương trình Người mẫu toàn năng 2023 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngay từ những tập đầu tiên, chương trình đã tràn ngập những cuộc “đấu khẩu”, mâu thuẫn giữa các huấn luyện viên Hồ Ngọc Hà và Hương Giang, hay màn chất vấn Lan Khuê của Dược sĩ Tiến… Mục đích lớn nhất là tìm kiếm người mẫu của chương trình trở nên “chìm nghỉm” giữa vô vàn cãi vã của các huấn luyện viên.
Được xem là một trong những chương “ăn khách” trong nhiều năm qua, Người ấy là ai mùa 5 cũng không tránh khỏi “cái hạn” bởi sự “nhỡ mồm” của MC Trấn Thành. Ngay ở tập đầu của chương trình, MC Trấn Thành gây tranh cãi trước phát ngôn về một khách mời chuyển giới và bị người xem phản ứng gay gắt. Ngay sau đó, ê kíp chương trình đã đăng đàn xin lỗi. Ngoài ra, Người ấy là ai mùa 5 cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều khi mời ca sĩ Phương Mỹ Chi làm cố vấn cho chương trình. Bên cạnh đó, phần biểu diễn gây tranh cãi của Dubbie (Khương Lê), các phần chọn - loại thí sinh trong chương trình Rap Việt… cũng là một trong những “chiều trò” mà các gameshow truyền hình đang khiến khán giả phải ngao ngán khi thưởng thức trong thời gian qua.
Đánh mất yếu tố giải trí
Thực tế cho thấy, việc mua fomat các chương trình truyền hình thực tế của nước ngoài đang mang đến cho khán giả Việt Nam nhiều trải nghiệm giải trí mới. Đơn cử như chương trình Vietnam Idol 2023 đang phát sóng trên VTV3, sau một thời gian dài vắng bóng chương trình phần nào góp phần “hâm nóng” thị trường gameshow và truyền hình thực tế. Thành công của chương trình cho đến thời điểm hiện tại chính là sự bền bỉ theo đuổi “công thức” thành công của các gameshow, hát chính là chất lượng thí sinh và format chương trình. Đây là nhân tố quan trọng giúp chương trình duy trì sức nóng cũng như thu hút tương tác của khán giả. Hay La cà hát ca chương trình kết hợp độc đáo của 3 yếu tố du lịch, trải nghiệm và biểu diễn âm nhạc pha trộn những tình huống mang đậm tính giải trí, hài hước trong chuyến du hành qua 3 miền đất nước được chú ý cũng vì lý do tương tự. Song ca giấu mặt gây ấn tượng bởi format quen mà lạ, nhiều thí sinh có nội lực, chất giọng hay, sáng sân khấu, đã tạo nên những màn kết đôi khá ấn tượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng” câu chuyện làm gameshow truyền hình đi kèm với những lùm xùm, chiều trò dường như đã trở thành “căn bệnh” kinh niên, khó chữa. Thay vì chú ý tới nội dung và chất lượng thí sinh, thì nhà sản xuất lại mang đến hàng loạt tranh cãi không đáng có, hay những chiêu trò cũ “xào nấu” lại để gây chú ý. Điều này đã và đang làm khán giả bức xúc, mất dần cảm tình đối với các gameshow trên sóng truyền hình. Thậm chí, nhiều người còn thẳng thắn kêu gọi tẩy chay chương trình, yêu cầu nhà đài kiểm duyệt, biên tập kỹ nội dung, hình ảnh trước khi phát sóng.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chiêu trò được xem là một phần không thể thiếu của các gameshow Việt hiện nay. Tuy nhiên, việc các nghệ sĩ lạm dụng chiêu trò thường dễ dẫn đến mất điểm trong mắt công chúng. Việc tạo chiêu trò trên các gameshow truyền hình có thể có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự nổi tiếng và danh tiếng của nghệ sĩ, tùy thuộc vào cách thực hiện và hậu quả mà nó mang lại. Chiêu trò có thể tạo sự chú ý cho nghệ sĩ và giúp tăng độ phổ biến của họ. Nếu tình huống được tạo ra một cách hài hước, thông minh và không gây tổn thương lớn cho ai, nó có thể thu hút khán giả và tạo nên một hình ảnh tích cực cho nghệ sĩ.
“Để duy trì chất lượng và sự tự nhiên của chương trình, các gameshow truyền hình nên tập trung vào việc mang đến nội dung hấp dẫn, ý tưởng độc đáo và cách thực hiện chuyên nghiệp. Việc tạo tình huống tranh luận nên được thực hiện một cách cân nhắc, tự nhiên và không quá cường điệu để đảm bảo tính chân thực và chất lượng của chương trình” - ông Sơn bày tỏ.
Theo TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu thanh niên), những tình huống mâu thuẫn trên truyền hình giữa các ngôi sao kéo theo sự tranh cãi giữa các cộng đồng người hâm mộ. Họ thi nhau tranh luận, thậm chí đẩy lên thành những cuộc chiến nảy lửa, thóa mạ, xúc phạm nhau trên không gian mạng. Đây là những hành động kém văn minh trên mạng. Các nhà đài, nhà sản xuất cần tăng cường yếu tố giải trí lành mạnh, yếu tố giáo dục trong các chương trình để đáp ứng thị hiếu khán giả cũng như gửi gắm thông điệp tích cực cho xã hội.