Nghe podcast, tham gia các khóa thiền ngắn hạn, sống gần với thiên nhiên, bỏ phố về quê, xem tarot hay chọn "ngủ 5 ngày 5 đêm" trong kỳ nghỉ lễ dài... Đó là những hình thức “chữa lành” của Gen Z được phổ biến trong thời gian gần đây. Vậy điều gì đã khiến Gen Z cần được “chữa lành” nhiều đến vậy?
Từ khóa “chữa lành” đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm về “chữa lành” được lập trong vài năm gần đây thu hút rất đông thành viên tham gia, hưởng ứng, trong đó đặc biệt thu hút các bạn Gen Z (sinh năm 1997 - 2012).
Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho các chuyến du lịch, các khóa thiền, các lớp học trải nghiệm dưới cái mác “chữa lành”. Trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, từ khóa “chualanh”, “healing” thậm chí còn lọt Top 100 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam.
Chữa lành “phổ biến” như vậy do bắt nguồn từ những câu chuyện trong cuộc sống mà hầu hết là khi con người bị tổn thương và cần đến những biện pháp để vực dậy tinh thần. Quan sát trên mạng xã hội thì không thiếu những trường hợp này. Chẳng hạn, một cô gái trẻ sau khi chia tay người yêu, lập tức xin nghỉ phép một tuần để đi du lịch với hy vọng "chữa lành tâm hồn nhiều vết xước".
Hay do không chịu được sự tổn thương vì bị trượt phỏng vấn dù tốt nghiệp bằng giỏi, một bạn trẻ đã thử mọi cách chữa lành như thiền, yoga, học các lớp tư vấn tâm lý trực tuyến… Hoặc cũng có thể là một nhân viên văn phòng phải chịu những áp lực từ công việc nên không ít lần đã tìm đến các phương pháp chữa lành…
Nhưng cũng có khi, chưa kịp tổn thương, nhiều người đã tìm đến các biện pháp để chữa lành. Bởi họ biết rõ những diễn biến tiếp theo của vấn đề mình đang gặp phải sẽ khiến bản thân bị căng thẳng, mệt mỏi hoặc mất đi một điều gì đó nên việc tìm cách chữa lành sớm sẽ phần nào khiến bản thân cảm thấy an tâm hơn để bình thản bước qua.
Chữa lành không phải là điều xấu, nhưng điều đáng nói là, với người trẻ, nhẽ ra phải là điểm tựa, là trụ cột trong mỗi gia đình, thì lại trở nên mong manh, dễ tổn thương trước một thế giới phẳng, trở thành đối tượng chính của trào lưu “chữa lành” hiện nay. Người trẻ bây giờ dễ mắc bệnh tâm lý hơn cũng là do quá lệ thuộc vào thế giới ảo, nhất là từ sau đại dịch Covid-19.
Thay vì phấn đấu, nhiều người trẻ lại chìm đắm trong thế giới ảo, nhìn những người thành công rồi tự dằn vặt, bi kịch hóa hiện thực cuộc sống của mình. Hay cũng chỉ vì những vấp ngã đầu đời, những thất bại trong buổi đầu khởi nghiệp, chuyện tình yêu không suôn sẻ, thậm chí chỉ là câu trách mắng của cha mẹ, người thân cũng khiến cho bản thân “gục ngã”...
TS Hồ Lâm Giang - chuyên gia Tâm lý - Giáo dục phân tích, một số bộ phận giới trẻ đang lạm dụng việc chữa lành để trốn tránh áp lực, xuất phát từ tâm lý lười lao động, thích hưởng thụ, ngại đối diện khó khăn.
"Không phải vấn đề nào cũng cần chữa lành, bởi nếu không xuất phát từ những vấn đề tâm lý thực sự nghiêm trọng, thì việc liên tục tìm đến chữa lành của người trẻ sẽ kìm hãm sự phát triển của chính họ. Việc đối diện áp lực, tự cân bằng tinh thần, rèn luyện năng lực vượt khó yêu cầu người trẻ cần có sự quyết tâm và nỗ lực rèn luyện bản thân.
Hành trình này sẽ giúp họ trưởng thành thực sự. Những người có một nội lực tinh thần mạnh mẽ không phải vì họ không có tổn thương mà vì họ biết cách vượt lên những tổn thương để trở nên vững vàng. Nếu cứ hơi khó khăn một chút, hơi gặp vấn đề một chút lại tìm đến chữa lành, thì tôi e rằng, giới trẻ không hề khỏe mạnh hơn về tinh thần, mà ngược lại, sẽ trở nên mong manh, yếu đuối", TS Hồ Lâm Giang nói.
Có cầu ắt sẽ có cung. Khi giới trẻ đổ xô theo xu hướng chữa lành, dịch vụ này đã trở thành một thị trường béo bở, thu hút nhiều người dù không được đào tạo về y tế, tâm thần học nhưng cũng muốn một phần của "miếng bánh thơm ngon".
Sẽ không có gì đáng nói nếu nhu cầu chính đáng này gặp được những chuyên gia đích thực, sẵn sàng lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ bằng những phương pháp khoa học.
Nhưng đáng buồn là “khóa học chữa lành” mở ra nhan nhản trên mạng xã hội đang có những dấu hiệu trục lợi, lừa đảo với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, mà “chữa lành” chỉ là mồi nhử những người nhẹ dạ tham gia, để từ đó các đối tượng lừa đảo dễ bề khai thác.
Không ít cá nhân, tổ chức đang lợi dụng sự bất ổn về tâm lý, nỗi đau trong tâm hồn của nhiều người để lôi kéo, dụ dỗ bán những khóa học "chữa lành". Các khóa học như: “Chữa lành tâm thức”, “chữa lành lượng tử”, “chữa lành trường sinh”, “chữa lành tâm linh”, “chữa lành bằng thôi miên tiền kiếp”… có giá vài triệu đến cả chục triệu nhan nhản trên mạng xã hội.
Thậm chí xuất hiện cả “học viện chữa lành” với hình thức tư vấn đào tạo từ trực tuyến cho đến trực tiếp. Người tham gia được theo các khóa tư vấn, thông thường kéo dài từ một đến ba tháng, với thời gian học và mức chi phí linh hoạt.
Chưa biết thực hư chất lượng của những khóa chữa lành này ra sao, nhưng việc quảng cáo rầm rộ, thu phí đắt đỏ đã khiến cho “thị trường” hội nhóm "chữa lành" luôn sôi động cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sập bẫy lừa đảo, nhất là với các đối tượng người trẻ ít có sự đề phòng.
Ngoài các khóa học chữa lành, còn có các dịch vụ như xem bói, xem bài tarot cũng rất có sức ảnh hưởng đến quyết định của nhiều người thuộc thế hệ Gen Z. Dịch vụ này sẽ đem đến các “tín hiệu vũ trụ” định hướng cho người xem biết tương lai qua các lá bài.
Nếu khách lựa chọn xem online sẽ phải chuẩn bị trước câu hỏi và chuyển khoản trước tiền phí. Sau đó khách sẽ đặt lịch và sau khoảng 1 đến 2 tuần sẽ được chốt thời gian xem. Mức phí dao động từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng tùy vào gói.
Tuy nhiên, không ít người đã gặp tổn thương tinh thần khi tham gia các dịch vụ chữa lành theo kiểu tâm linh. Ở đó, họ được khuyên xem tử vi, các cung hoàng đạo, tarot, "thỉnh" linh phù, "thỉnh" vòng tay để cải tạo vận mệnh. Số tiền cho mỗi dịch vụ này thường từ 500 nghìn đồng lên tới vài triệu đồng.
Trong khi đó, TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, người trẻ cần hiểu rõ chữa lành không phải là một phương pháp chữa bệnh, đây chỉ là một dịch vụ mang tính chất tư vấn.
"Các dịch vụ chữa lành hiện nở rộ và khá đắt đỏ, tuy nhiên hiện chưa có hình thức quản lý, giám sát những hoạt động này.
Theo tôi, các trung tâm chữa lành cần đăng ký với các cơ quan hữu quan, trong đó cần cụ thể tài liệu có những gì, thời gian chữa lành bao lâu, chi phí như thế nào. Nội dung các lớp các lớp "chữa lành" tự mở cũng cần kiểm tra để xem chúng có liên quan tới hình thức tâm linh độc hại hoặc quảng cáo trá hình.
Có nhiều đối tượng khác nhau cần được chữa lành, người đổ vỡ trong hôn nhân, người suy sụp tinh thần bởi kinh tế. Vì thế không thể có một khóa chữa lành chung cho tất cả mọi người. Cần xem xét kỹ lưỡng, nếu phương pháp chữa lành mang tính tích cực thì phải đưa vào quản lý, còn nếu mang lại những tác động tiêu cực như khiến người dân mê muội, suy nghĩ sai lệch, tiêu cực thì cần phải loại bỏ", ông Quang nhận định.
Từ thực tế trên, có thể thấy rằng hành trình đi tìm “thuốc giải” cho những vấn đề tinh thần của Gen Z không thể chỉ chăm chăm vào việc chữa lành theo những cách chạy theo trào lưu trên mạng xã hội. Bởi nếu không xuất phát từ những vấn đề tâm lý thực sự nghiêm trọng, thì việc liên tục tìm đến chữa lành của người trẻ sẽ kìm hãm sự phát triển của chính họ.
Việc đối diện áp lực, tự cân bằng tinh thần, yêu cầu người trẻ cần có sự nỗ lực rèn luyện tự thân. Khi người trẻ thực sự hiểu mình, đối thoại với chính mình đó mới là “liều thuốc” chữa lành hiệu quả nhất.