Nếu như năm 1995, diện tích ao hồ của Hà Nội là 2.100 ha diện tích mặt nước, thì đến năm 2016, diện tích này chỉ còn 1.165ha, mất gần một nửa.
Chỉ cần đánh giá con số từ năm 2010 đến nay, TP Hà Nội đã bị “hao” phần lớn “lá phổi điều hòa không khí”. Cụ thể, Hà Nội đã có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới với diện tích chỉ bằng 1/5 diện tích mặt hồ đã bị mất, chốt con số 112 hồ trên toàn TP.
Quận Tây Hồ, được đánh giá là quận có diện tích mặt ao hồ lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước), song từ năm 2010 đến nay diện tích này đã giảm hơn 28.000m2. Riêng Hồ Tây, theo số liệu những năm 80 thế kỷ trước rộng gần 600 ha, nay chỉ còn 527,7 ha (số liệu bàn giao cho Ban quản lý dự án Hồ Tây quản lý năm 2012), mất gần 80ha. Hay như quận Ba Đình, Hồ Trúc Bạch nổi tiếng từ năm 2005 điến nay cũng đã mất gần ¼ diện tích, còn khoảng 9 ha diện tích mặt hồ.
Quận Đống Đa, quận có nhiều ao hồ nhất thành phố, với trên 30 hồ, trong đó có nhiều hồ lớn như hồ Đống Đa, Ba Mẫu, Nam Đồng… Tuy nhiên, từ năm 2010, “vì sự phát triển đô thị” đã san lấp 4 hồ. Nhiều diện tích ao cạnh, ao chùa, ao trồng rao cũng bị an lấp và thu hẹp, với tổng diện tích khoảng 15.000m2.
Tương tự, các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, nhiều diện tích ao, hồ đã biến mất trên bản đồ. Có thể kể đến như ao Trại Cá, ao Yên Hòa, ao Ải Bái Ân, ao Khu Đồng Xa... Một số quận khác như Nam, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai…tuy không thay đổi nhiều về hiện trạng ao, hồ song diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể… Có lẽ, Hà Nội chỉ duy nhất có Hồ Hoàn Kiếm không bị “tàn phá” bởi sự phát triển cũng như tác nhân con người.
TS Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho biết, sự phát triển của TP Hà Nội, trong đó do thiếu một quy hoạch tổng thể, đã khiến cho diện tích ao hồ bị thu hẹp. Tuy nhiên, kẻ thù chính lại do sự buông lỏng quản lý ở cấp địa phương khiến nhiều diện tích ao hồ bị lấn chiếm, thành nhà ở hoặc thành dự án. Câu chuyện đổ rác ra ao hồ, rồi lâu lâu thành đất, thành nhà đã phổ biến nhiều năm. Bây giờ đã có quy hoạch tổng thể diện tích ao hồ, song số diện tích mất đi là không thể lấy lại.
Cùng với sự dần thu hẹp diện tích, sự ô nhiễm của ao hồ Hà Nội cũng không còn là sự báo động. Theo một điều tra nghiên cứu mới nhất của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), Hà Nội hiện đang có 21 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng.
Cụ thể là Hồ Văn Chương (diện tích13.418m2), kết quả phân tích cho thấy nước hồ ô nhiễm rất nặng do sự xâm thưc của tảo. Nước hồ có màu xanh đục, xung quanh miệng cống nước có mùi hôi thối do tiếp nhận lượng lớn nước thải từ các hộ dân, hộ kinh doanh ven hồ. Tương tự, hồ Thiền Quang (diện tích 58.686m2), tuy không còn ô nhiễm chất hữu cơ song do tiếp nhận hệ thống thoát nước khu vực chưa qua xử lý nên thường xảy ra hiện tượng cá chết vùng, do thiếu ô xi và nhiễm khuẩn. Hay Hồ Ba Mẫu (diện tích 43.448m2), kết quả phân tích cho thấy nước bị ô nhiễm hữu cơ và có sự phát triển của tảo. Sự ô nhiễm có nguyên nhân từ 10 cống xả của khu vực dân cư và rác thải từ hàng quán xả thẳng xuống hồ. Hồ Kim Liên (diện tích 20.224m2) , nước màu xanh đục, mùi hôi thối nặng. Hồ Tứ Liên (diện tích 25.796m2), chỉ có cá trê sống được, rau và cá ở hồ không thể ăn được do ô nhiễm …
Đó là những điều thực sự lo ngại với Hà Nội, không chỉ hôm nay mà còn là lâu dài.