Những con phố biến thành sông sâu, những dãy nhà ngập vút tầng trệt, những tiếng kêu cứu nhói lòng từ ô cửa sổ - TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) thêm một lần chịu thảm họa khi lũ sông Hồng tràn về đã 4 ngày qua.
Tình người trong lũ dữ
"Vặn trái đi, vặn nữa, ga mạnh lên! Anh em cúi xuống nào, dây điện đấy. Chú ý! Nhà này có ai không? Cần nước uống không? Kêu lên nào..."
Trên khắp nẻo "suối phố" của phường Hồng Hà, TP Yên Bái, chàng trai Nguyễn Văn Thắng ngồi đầu mạn ca nô vừa cầm sào vén cây, dây điện, vừa gào lên cảnh báo anh em đội cứu trợ đến từ Thị trấn Yên Bình chú ý an toàn, vừa dẫn lái ông lái xuồng phía cuối. Nước sông mỗi lúc đổ về xiết hơn. Con xuồng liên tục chao đảo dù đã có lái cứng là anh Phạm Văn Chuẩn đến từ vùng lòng hồ Thác Bà tham gia đoàn cứu trợ. Nhiều góc phố nước xoáy dòng loạn xạ. Mưa vẫn đang dội xuống và nước dâng cao.
Căn nhà 149 phố Trần Hưng Đạo, đã đón được bà cụ 81 tuổi Đào Thị Vui và hai cháu gái nhỏ. Đã mấy ngày thiếu ăn, khát nước, hai cháu gái có chút hoảng sợ sau khoảnh khắc được anh em cứu trợ bế lên xuồng. Đây nhà anh Nguyễn Văn Vinh ở phố Yên Lạc đã mấy ngày bà ngoại từ Sa Pa về thăm cháu mà giờ đang lả đi vì đói. Anh Vinh trèo từ lan can tầng hai rồi đu bám hàng rào cổng đón lấy túi mì tôm. "Sống rồi, cảm ơn các em quá", rồi lần mò trong biển nước đu ngược lại căn nhà. Mấy ngôi nhà bên đối diện có bàn tay yếu ớt đang thò ra từ ô cửa sổ, anh Nguyễn Văn Thắng ào xuống bơi thẳng sang, cố gắng mang túi đồ thức ăn và hai chai nước cho người vẫy cứu.
Chị Nguyễn Thị Huế là nữ thanh niên còn khá trẻ, cũng là chủ thuyền, cùng trực tiếp tham gia, luôn tay lật từng bản danh sách tin nhắn đã lưu chụp sẵn màn hình. Chị đọc thêm mấy tin nhắn vừa gửi đến nhờ phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ghi hộ. "Nhiều trường hợp quá. Ta nhanh vòng sang phố Thanh Niên đi anh Chuẩn ơi. 2 tin nhắn này có vẻ căng lắm rồi. Nhà cấp bốn thì ngập hết nóc..." - chị Huế nói với lái xuồng. Nhưng cũng phải tới nửa giờ chúng tôi mới có thể tiếp cận được người bị nạn. Nước chảy quá xiết, ngầu đỏ như giận dữ. Chốc chốc một vài chiếc ca nô chật cứng người chạy ngược lại. "Qua bên Nguyễn Phúc đi, còn mấy nhà đang nguy lắm" - họ nói với sang nhau.
Những cành phượng, bằng lăng tươi thắm hôm nào, nay xõa xượi quật tát ngang mặt khi chiếc ca nô gắng lao lên phía trước. Nước cao chạm cả tổ chim chích bông trên phố. Bàn ghế, cột gỗ, gối đệm, chậu nhựa, cả những con búp bê và đồ chơi trẻ con lềnh phềnh khắp nơi, có cả bàn thờ nhà ai trôi mắc kẹt nách cây bàng.
Thảm họa vượt mức lịch sử
Trong 3 giờ đồng hồ sáng 10/9, xuồng cứu trợ của chị Thắm đã cứu được gần 20 người và tiếp tế hơn 100kg nhu yếu phẩm cho những gia đình còn đang mắc kẹt tại khu vực phía Nam TP Yên Bái. Lần này có tới 9 phường, 8 xã bị ngập sâu (vượt mức lịch sử 2008). Ngay từ đêm 8/9 khi siêu bão Yagi dội về, UBND TP Yên Bái đã có lời kêu gọi ứng cứu các phường Hồng Hà, Nguyễn Phúc, Tuy Lộc... Một dải phường ven sông Hồng hoàn toàn ngập sâu, và lần này lũ dữ tràn ngập tới hai phần ba thành phố.
Trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai sáng 10/9, hàng đoàn xe Quân đội tức tốc hướng về Yên Bái. Những người lính QK2 đã mặc sẵn áo phao. Thiếu tá Lê Xuân Thế, Chính trị viên phó Lữ đoàn Công binh 543, người đang chỉ huy đơn vị dùng xuồng đặc chủng ứng cứu tại khu vực phía Nam thành phố (đơn vị của anh cũng vừa tham gia cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ), nói với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết khi đang lội ngập bụng: "Với chục chiếc xuồng này, từ hôm qua đến nay chúng tôi đã đưa hàng trăm người đến nơi an toàn. Nhiều trường hợp ở trạng thái rất nguy hiểm khi cạn nước uống và thức ăn, nước ngập có chỗ vút cả tầng 2. Có những chị vừa mới sinh con. Chúng tôi rà soát kỹ và ưu tiên đưa người già, trẻ em lên trước. Chiều nay còn mấy chục trường hợp nữa...".
Trường học, công sở, trạm xá, ủy ban phường, tất cả ngập sâu và tê liệt trong khi nước sông Hồng vẫn tiếp tục tràn vào. "Thiếu xuồng nhưng giờ chúng tôi đã tập kết đủ. Từ đêm qua đến nay cũng đã rất nhiều đoàn xe cứu trợ từ Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ đến đây tiếp ứng. Nhưng giờ nước xoáy và chảy quá xiết, chúng tôi đang cần thêm người có kỹ năng lái thuyền mới có thể tiếp cận nhiều hơn các gia đình bị nạn" - Thượng tá Nguyễn Tiến Đỗ, Trưởng Công an TP Yên Bái nói, khi đang chỉ huy lực lượng ứng cứu tại khu vực ngã tư Nam Cường.
Những ngôi nhà mép nước nằm chỗ cao thì dính sạt lở ven đồi. Cả dãy phố đỏ oạch bùn ứa ra. Đêm qua lại thêm một gia đình 4 người chết vì sạt lở giữa lòng thành phố. Yên Bái mất mát quá lớn khi ước tính thiệt hại ban đầu lên đến 200 tỷ đồng.
“Hàng nghìn gia đình phải di dời. Lượng người phải sơ tán quá lớn. Mặc dù đã tập trung rất đông quân số và phương tiện nhưng do lũ về quá lớn và nước dâng nhanh, nhiều khu vực sâu và xiết rất nguy hiểm, nên công tác cứu hộ của TP Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ đạo khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn chiều qua nêu rõ “Quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn”.
Nhưng sẻ chia ấm áp, trong ngôi nhà trên đường Lê Lợi, các chị em tổ dân phố chung tay nấu từng suất cơm rồi mang đến tận từng nhà bị ngập lụt. Tại nhà hàng Tùng Dương ở phường Minh Tâm, câu lạc bộ nữ doanh nhân TP hằng ngày chuẩn bị những bữa ăn miễn phí và cho bà con tá túc. Chỉ trong một buổi sáng các chị đã phát đi 1.200 suất ăn cứu đói. Và trên mạng facebook đã có chị em thông báo làm bánh mì ngọt phát hoàn toàn miễn phí cho bất kỳ ai gặp nạn trong TP. Nhà khách Trường Sơn hỗ trợ miễn phí ăn, ngủ cho bà con. Nhà hàng hải sản nổi tiếng Hùng Hà còn nấu cả cháo, xôi đang kêu người tới hỗ trợ mang đi phân phát. Các bạn trẻ Tỉnh đoàn Yên Bái đang tất bật đón và hướng dẫn các đoàn cứu trợ đến các điểm ứng cứu, và đã chuẩn bị 50 chỗ ngủ cho bà còn vừa mới được cứu ra khỏi chỗ ngập...
Mưa bão còn phức tạp, nước vẫn dâng lên, nhưng tình người trong lũ dữ khi thảm họa lụt lội quá lớn xảy ra, thật ấm áp. Công văn hỏa tốc của Tỉnh ủy Yên Bái phát đi sáng 10/9: "Hỗ trợ, cứu trợ nhanh nhất cho ngời dân, khẩn trương khắc phục hậu quả, hót dọn khu vực bị sạt lở, hỗ trợ mai táng, khôi phục nhanh công trình hư hỏng" với tất cả nhân lực hiện có.
Mặt trận Phú Thọ thăm hỏi nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu
Ngày 10/9, ông Nguyễn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống lụt bão tại huyện Thanh Ba; thăm, động viên, các nạn nhân do sập cầu Phong Châu và bị tai nạn do cơn bão số 3 gây ra tại huyện Tam Nông.
Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của mưa, lũ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ Nguyễn Hải đề nghị chính quyền, lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão. Chủ động triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để cùng với chính quyền địa phương phòng chống mưa bão.
Tại huyện Tam Nông, ông Nguyễn Hải đã đến thăm hỏi trao tiền hỗ trợ 3 triệu đồng/người cho 2 nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, gồm: Nguyễn Minh Hải, 30 tuổi trú tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh; Bùi Quý Trọng, 33 tuổi ở xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông; cho nạn nhân bị tai nạn do cơn bão số 3 gây ra tại Khu 24, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông.
Hồng Ngoan
Chiều 10/9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) cùng đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã tới TP Yên Bái, thăm hỏi, động viên trao những phần hỗ trợ (1,5 tỷ đồng, 1.200 thùng mỳ tôm, 500 thùng nước uống) cho đồng bào bị nạn.
Tính đến sáng 10/9, Yên Bái có 13.500 ngôi nhà hư hỏng do lũ, hơn 2.300 nhà phải di dời, nhiều vùng hiện đang bị cô lập. Nhiều tuyến đường ngập sâu tới 2m.