Khi người dân dám vay tiền để làm đường

Lan Hương 28/06/2015 14:36

Không chỉ được biết đến là một xã sớm đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới (NTM), Mễ Sở - Hưng Yên còn là một điểm sáng về vận dụng sức dân trong xóa đói giảm nghèo. Cũng nhờ cách tiếp cận rất riêng này mà người dân tình nguyện vay tiền ngân hàng để làm đường. Đây là việc làm chưa từng có tiền lệ, nhất là ở vùng quê nơi cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Vũ Mộc

Khu đô thị mới giữa làng quê

Không có khu công nghiệp, không đường quốc lộ… chỉ là một làng quê mà người dân quanh năm suốt tháng chỉ sống dựa vào nghề nông. Thế nhưng nhờ triển khai chương trình NTM chỉ sau một thời gian ngắn xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) đã bứt lên trở thành một làng quê đáng sống với những biệt thự, ngôi nhà cao tầng khá bề thế được bao bọc bởi những một màu xanh ngút ngàn của cam, quýt, quất cảnh…

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã không giấu được niềm tự hào mình là người con Mễ Sở: Chương trình xây dựng NTM như một luồng gió mới giúp làng quê Mễ Sở được khoác thêm “tấm áo mới. Đặc biệt nhờ có chủ trương hỗ trợ xi măng của tỉnh đã tạo ra cơ chế mồi để thúc đẩy người dân tham gia xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, trong đó tập trung vào làm đường giao thông nông thôn.

Cũng theo bà Hà, trong tổng nguồn lực đầu tư cho chương trình (hơn 264 tỷ đồng) thì người dân đóng góp tới 71,42% (tương đương khoảng 189 tỷ đồng). Đây là con số không phải địa phương nào cũng có thể huy động được bởi ngoài việc đóng góp theo nhân khẩu (1 - 2,3 triệu đồng/khẩu tùy thôn) nhiều gia đình còn ủng hộ số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng để xây dựng các công trình như gia đình bà Cúc (thôn Hoàng Trạch) ủng hộ 30 triệu đồng, ông Hùng Cường (thôn Hoàng Trạch) ủng hộ 20 triệu đồng, đặc biệt ông Đào Tất Hiệp (thôn Đồng Quê) ủng hộ tới 800 triệu đồng để làm tuyến đường từ chợ Mễ đi thôn Đồng Quê. “Cũng nhờ sự đóng góp trên của người dân mà xã Mễ Sở đã được công nhận xã nông thôn mới, 19 tiêu chí đã được hoàn thành một cách trọn vẹn với 100% đường liên xã, đường trục xã, đường thôn xóm và đường trục chính nội đồng được bê tông hóa và cứng hóa; 85,3% hệ thống kênh cương được kiên cố hóa; 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên và an toàn, được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; các trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia theo quy định; trên địa bàn xã không có nhà dột nát; thu nhập bình quân đạt 33,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,28%; 99,8% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững...” – Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà chia sẻ.

Trong câu chuyện của chúng tôi, không giấu được niềm vui Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Vũ Quang Phiên giãi bày, Mễ Sở có được ngày hôm nay tất cả là nhờ sự giúp sức của người dân. Chúng tôi luôn biết mình “nợ” người dân của mình rất nhiều, chính vì thế chúng tôi luôn phấn đấu để trở thành những công bộc tốt. Ngay khi xã triển khai chủ trương xây dựng NTM, từ già tới trẻ đều ủng hộ hết mình, từ kinh phí đến nhân lực. Đáng trân trọng nhất, có thôn đã tình nguyện vay ngân hàng để góp tiền xây dựng đường liên thôn.

Mễ Sở hôm nay

Cán đích sớm trong xây dựng nông thôn mới

Dẫn chúng tôi đến nhà ông Vũ Mộc, Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở, Phó Bí thư Vũ Quang Phiên nói: Trong quá trình xây dựng NTM, việc người dân hiến đất, đóng góp tiền của để hoàn thiện các công trình hạ tầng không còn là chuyện hiếm. Nhưng việc lãnh đạo thôn đứng ra vay ngân hàng lấy tiền cho dân làm đường thì dường như chưa có tiền lệ. Tổng số tiền lãnh đạo thôn Hoàng Trạch vay ngân hàng để làm đường giao thông nông thôn lên đến 300 triệu đồng. Thế nhưng khi nói về việc làm của mình, ông Vũ Mộc bảo: “Người dân đã hăng hái đóng góp công sức, tiền của để hoàn thiện các tuyến đường giao thông, giờ còn thiếu chút ít, thôn có trách nhiệm đứng ra vay ngân hàng để hoàn thiện. Đó là việc nên làm, hơn nữa từ năm 1993 đến nay, thôn đã có chủ trương mỗi khẩu trích ra 36m2 đất để cho thuê phục vụ các công việc chung của thôn. Hiện, quỹ đất đó lên đến 15 mẫu, riêng năm 2012, thôn tổ chức cho các hộ thuê lại và thu được 1,5 tỷ đồng. Số tiền đó đã được sử dụng để hoàn thiện nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của thôn và sắp tới là trả khoản nợ mà thôn đã vay để làm đường. Thế nên tôi chỉ là người đứng ra vay hộ, sau đó thì người dân trả (cười)”.

Vốn là một cán bộ đã về hưu, nên với ông Mộc làm thế nào để lôi kéo người dân tham gia vào chủ trương luôn là nỗi đau đáu. Rút kinh nghiệm của những năm trước khi có chủ trương, ông đã công khai, minh bạch mọi khoản chi. Đặc biệt là để người dân được giám sát quá trình thực hiện nên ai cũng nhiệt tình tham gia, những người còn nghi ngại cũng tình nguyện đóng góp xây dựng đường. Một việc làm tưởng như nhỏ nhưng lại là bước đệm để Hoàng Trạch tiếp tục hoàn thiện các tuyến đường còn lại. Thực tế, trước năm 2011, Hoàng Trạch là thôn có các hoạt động phong trào yếu kém nhất xã Mễ Sở. Người dân mất niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo, chính vì vậy khi thôn có chủ trương làm tuyến đường nông thôn mới đầu tiên dẫn ra đình làng, bà con không mấy hào hứng dù số tiền đóng góp chỉ 100.000 đồng/khẩu.

Khi đã lấy được niềm tin ở người dân, thôn Hoành Trạch mạnh dạn triển khai các hạng mục công trình khác như làm đường ngõ xóm, kênh mương… “Dựa trên thiết kế của tỉnh, chúng tôi sử dụng những lao động có nghề xây dựng của thôn để làm mương máng, cống; lực lượng cung ứng vật tư cũng là người của thôn. Một ban giám sát được lập ra để theo dõi quá trình thi công, người dân tham gia vào khâu giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, từ năm 2012 - 2014, chúng tôi hoàn thiện 5km đường ngõ xóm với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Các hộ dân đều tham gia đóng góp, xóm ít thì 600.000 đồng/khẩu, nhiều lên tới cả triệu đồng/khẩu nhưng ai cũng hăng hái tham gia”, ông Mộc phấn khởi cho biết.

Nhờ sự năng động, nhạy bén của người dân trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm của đội ngũ lãnh đạo đã giúp Mễ Sở là địa phương đầu tiên của huyện Văn Giang (Hưng Yên) về đích trong xây dựng NTM. Về Mễ Sở bây giờ nhiều người sẽ phải ngưỡng mộ vì một cảnh quan nông thôn vừa văn minh, hiện đại, vừa xanh – sạch – đẹp mà vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có. Nhưng trên hết nó cho thấy sức mạnh của người dân, nếu có được sự đồng lòng, ủng hộ của người dân thì dù khó đến đâu cũng sẽ cán đích ngoạn mục. Đúng như ông Vũ Mộc nói, khi được lòng dân thì sẽ có những việc làm chưa có tiền lệ và thôn Hoàng Trạch là một minh chứng rõ nhất. Hơn thế, kết quả trong việc xây dựng NTM ở Mễ Sở cũng là bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện lồng ghép hai chương trình mục quốc gia về Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới, giúp các địa phương chủ động trong việc quản lý và sử dụng vốn hiệu quả hơn, hạn chế đầu tư dàn trải và trùng lắp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi người dân dám vay tiền để làm đường