Phát huy tinh thần tự quản của người dân trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã triển khai xây dựng các mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”.
Đến nay nhiều mô hình trên địa bàn tỉnh hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.
Vận động nhân dân thu gom rác thải bảo vệ môi trường tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, từ năm 2017 đến nay, MTTQ tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, mở lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ủy ban MTTQ các cấp đã tập trung xây dựng các mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường để góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tại các khu dân cư, các tổ tự quản được thành lập để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, tổ chức thu gom, tập kết, xử lý rác thải...
Khu 2, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” theo Chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ngay sau khi được lựa chọn để xây dựng mô hình điểm, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đã thành lập tổ tự quản gắn với thực hiện bảo vệ môi trường, xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp. Tổ tự quản có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại thu gom rác thải, đổ rác đúng nơi quy định, định kỳ tổ chức cho bà con nhân dân thực hiện vệ sinh để đảm bảo cho đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp. Đến nay, 100% gia đình ở khu 2 tự nguyện ký cam kết tự quản bảo vệ môi trường. Các hộ gia đình đều phân loại xử lý và thu gom rác thải tại hộ gia đình vào một chỗ để tổ thu gom rác thải chuyển đến điểm tập kết.
Còn tại khu dân cư Đền Vọng, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, để giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt, các tổ tự quản thu gom rác thải được thành lập. Các tổ tự quản đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phân loại, thu gom rác thải ngay tại hộ gia đình. Hiện 160 hộ gia đình đã tự nguyện đóng góp kinh phí để thu gom rác thải sinh hoạt góp phần bảo vệ môi trường nông thôn. Đều đặn mỗi tuần 1 lần, người dân ở khu dân cư lại tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm và đồng ruộng, giữ gìn khuôn viên gia đình sạch sẽ, gọn gàng.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ Nguyễn Chí Thắng cho biết, năm 2018, đã có trên 60% số khu dân cư tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình tham gia “Tự quản bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu” trong đó có nhiều khu dân cư ký kết tham gia bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự… Tại các khu dân cư có mô hình điểm, 100% hộ dân đều ký cam kết “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” và bổ sung nội dung này vào hương ước, quy ước của địa phương.
Qua việc nhân rộng mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” đã có nhiều giải pháp sáng tạo như xây dựng lò đốt rác mini tại nhóm hộ gia đình để xử lý rác thải sinh hoạt; phân loại rác tại hộ gia đình, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, làm hầm bioga xử lý chất thải chăn nuôi; xây bể chứa và thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các xứ đồng. Thông qua công tác tuyên truyền đã phát huy được vai trò của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như định kỳ tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, khơi thông cống rãnh, cống thoát nước, dọn vệ sinh khu vực công cộng; trồng cây xanh, phân loại rác thải ngay tại gia đình, tập kết rác thải đúng nơi quy định.
Từ hiệu quả thiết thực trên, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể tại địa phương nhân rộng các mô hình tự quản để xây dựng cộng đồng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.