Đô thị cổ Hội An nổi tiếng với những ngôi nhà từ thế kỷ thứ XV, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999; là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng bảo tồn, gìn giữ nhà cổ Hội An là việc làm vô cùng gian nan, nhất là vấn đề buôn bán, sang nhượng nhà cổ đã và đang diễn ra.
Nhiều người rao bán nhà cổ
Thống kê các di tích - nhà ở trong khu phố cổ Hội An, cho thấy, đường Trần Phú có 42 nhà rao bán. Lần lượt đường Nguyễn Thái Học có 33 nhà; đường Bạch Đằng (16), đường Trần Quý Cáp (5), đường Lê Lợi (15), đường Tiểu La (9), đường Hoàng Văn Thụ (9), đường Nguyễn Thị Minh Khai (26)...
Việc mua bán, chuyển nhượng từ năm 2012 trở về đây khoảng 15-20% trong tổng số 1.175 ngôi nhà cổ trong khu phố cổ.
Trên đường Nguyễn Thái Học, 1 ngôi nhà có diện tích 107m2 đang được rao bán với giá 38 tỷ đồng. Chủ nhà cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, dẫn đến việc kinh doanh ế ẩm, gia đình muốn chuyển ra Đà Nẵng kinh doanh nghề khác nên muốn bán căn nhà.
Tương tự, ngôi nhà nằm trên đường Lê Lợi của gia đình ông Lưu Liến, với tổng diện tích hơn 268m2 đất ở, chiều ngang 17m và được rao bán 80 tỷ đồng. Ông Liến chia sẻ: “Tôi bán ngôi nhà này vì ba, mẹ đã mất rồi nên giờ bán để chia tiền cho các anh, em gia đình. Nhưng đến giờ chưa có người đến hỏi mua”.
Cách đó không xa là ngôi nhà 2 tầng với diện tích gần 200m2 tại số 87 đường Trần Phú, được rao bán với giá 42 tỷ đồng. Chủ nhà cho biết, ngôi nhà đã mấy trăm năm tuổi. Các con cháu cứ thay nhau giữ gìn và làm ăn sinh sống tại đây. Hiện nay do công việc kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn nên đành phải bán.
Ông Võ Đăng Phong - Chủ tịch UBND phường Minh An (TP Hội An) cho biết, hiện trên địa bàn phường có hơn 1.000 ngôi nhà cổ. Những ngôi nhà cổ rao bán là nhà có 2 đến 3 người cùng sở hữu, hoặc họ mua kinh doanh rồi giờ muốn bán lại để thu hồi vốn đã bỏ bỏ ra đầu tư. Những ngôi nhà cổ rao bán thuộc quyền sở hữu của tư nhân nên chính quyền khó can thiệp vào vấn đề này.
Còn theo ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, toàn TP Hội An có khoảng 1.750 ngôi nhà cổ. Thế nhưng hiện các nhà cổ nếu thuộc tư nhân quản lý thì việc mua bán chuyển nhượng, không có quy định nào cấm hay không cho phép cả. Chính quyền cũng không thể can thiệp, vì đó quyền lợi của họ.
Cơ chế nào để bảo tồn di sản?
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An, những ngôi nhà ở phố cổ Hội An được rao bán thuộc sở hữu của một số người ở Hà Nội, TPHCM đã mua của người dân địa phương. Do dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của chủ nhà và khách thuê tại đây không còn như trước nên họ rao bán chứ thực chất không phải người dân Hội An bán nhà cổ.
Hiện nay, 30% chủ nhân của các ngôi nhà trong vùng lõi phố cổ là người ở Hà Nội, TPHCM. Họ mua nhà để cho thuê lại, do đó họ ít khi có mặt tại nhà. Bên cạnh đó, có đến 40% chủ ngôi nhà là người gốc Hội An nhưng họ dọn ra nơi khác ở, còn nhà trong phố cổ thì cho thuê lại.
Theo ông Sơn, vấn đề này cũng là nỗi lo của thành phố trong việc gìn giữ hồn phố cổ Hội An. Hiện chỉ còn khoảng 30% người gốc Hội An còn ở trong đó. Thực tế trong những năm qua, việc trùng tu, bảo tồn nhà cổ và các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn luôn luôn được chính quyền quan tâm hàng đầu. Nhưng là nơi do thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ nên hệ thống di tích có nguy cơ bị hư hại, xuống cấp, nhất là đối với các di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.
Mới đây làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Quảng Nam cho biết: Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự đồng thuận của các chủ di tích và các tầng lớp nhân dân cũng như sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, mặc dù thường xuyên bị thiên tai, bão lũ đe dọa, nhưng hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn đã tạo nên tính hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan.
Còn ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, Sở đã đề nghị với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cần có cơ chế đặc thù về bảo tồn, phát huy Di sản thế giới Khu phố cổ Hội An. Trong đó có việc, thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam sẽ tạo cơ chế, cơ sở pháp lý cho tỉnh trong việc huy động, quản lý và sử dụng kinh phí để bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích, đặc biệt đối với 2 di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và Mỹ Sơn.
“Khi có quỹ hoặc ngân sách nhà nước bỏ tiền ra mua lại các ngôi nhà có giá trị nếu là loại đặc biệt, loại 1, loại 2 để gìn giữ bảo tồn. Việc này đã được đề xuất cách đây hơn 20 năm nhưng chưa có cơ chế vì thế chưa làm được. Còn hiện nay việc mua bán, chuyển nhượng là không cấm nên càng khó khăn hơn. Vì vậy cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền bảo tồn và quản lý di sản để người khác có vào mua nhà cổ thì họ phải chấp hành các quy định” - ông Hồng cho biết.
Trong khi đó, nói về việc sang nhượng, mua bán nhà cổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh: Địa phương cần nắm chắc và sát tình hình chuyển đổi chủ sở hữu nhà trong phố cổ Hội An, tham mưu cho tỉnh Quảng Nam có giải pháp kịp thời để Hội An không mất đi giá trị cốt lõi.
Thực tế, các cấp, ngành tỉnh Quảng Nam rất quan tâm đến công tác đầu tư, tu bổ, các di sản văn hóa thế giới trong đó có đô thị cổ Hội An, nhưng ngân sách nhà nước dành cho việc trên còn nhiều hạn chế. Vậy cơ chế, nguồn lực nào để nếu cần phải mua lại những ngôi nhà cổ mà người dân rao bán để bảo tồn di sản? Câu hỏi này vẫn chưa ngã ngũ.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, địa phương đang chuẩn bị xây dựng đề án phục hồi “hồn phố”, nhằm đưa cư dân bản địa quay lại khu phố cổ. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho những người ở nơi khác tới mua nhà ở phố cổ hiểu rằng họ đang sở hữu di sản quý giá để không biến ngôi nhà này thành nơi buôn bán đơn thuần hay tác động để thay đổi kết cấu nhà cổ. Nếu thuận lợi về cơ chế và nguồn lực, Hội An sẽ triển khai mua lại các nhà cổ kết hợp với hệ thống nhà cổ nhà nước sở hữu hiện tại, để sắp xếp cho cư dân bản địa thuê sinh sống nhằm bảo tồn hồn cốt phố thị.