Nhiều hộ dân sinh sống trong những nhà cổ Hội An, Quảng Nam ngày đêm thấp thỏm lo âu, do nhà cổ bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ rất cao, nhưng đến nay việc sửa chữa, tu bổ… vẫn còn gặp nhiều khó khăn!
Ngôi nhà cổ 300 tuổi củaCụ bà Thái Thị Sâm bị mục nát nhiều hạng mục.
Nhiều nhà nguy cơ sụp đổ…
Chúng tôi vừa có chuyến đi thực tế khảo sát dọc khu phố cổ Hội An, hiện tại có khoảng 15 ngôi nhà nằm trong diện xuống cấp trầm trọng, nhiều khung gỗ hư hỏng, nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão, đa số các nhà nằm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Phan Châu Trinh, Tiểu La, Bạch Đằng,…
Có mặt tại ngôi nhà số 77 đường Trần Phú, đây là ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ, dài 30m, rộng 6m, hiện được trưng dụng làm nơi cho du khách tham quan, cũng là nơi 4 thế hệ trong gia đình sinh sống. Trong gian nhà chính, hầu hết cột đã bị mối mọt gặm nát, phần máng xối được làm bằng gỗ đã bong tróc, nghiêng hẳn sang một bên. Gác trên của căn nhà trước đây được gia đình dùng để ở thì nhiều năm nay đành phải để trống vì hầu hết kèo cột đã bị mục rỗng, không an toàn.
Cụ Thái Thị Sâm (97 tuổi), chủ ngôi nhà cho biết: “Theo lịch sử của ngôi nhà cổ này, đây là một trong những ngôi nhà cổ nhất, đẹp nhất ở Hội An được chủ buôn người Hoa hiệu là Quân Thắng xây dựng cách đây hơn 300 năm, do lâu đời và ảnh hưởng thời tiết nên ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng nhưng việc trùng tu cũng gặp khó khăn, vả lại gia đình không có kinh phí trùng tu, chỉ sửa chữa những cái nhỏ nhỏ thôi!”.
Cụ Sâm cũng cho biết, do sợ bị sụp đổ nên gia đình đã báo cáo cơ quan chức năng, họ đã nhiều lần đến kiểm tra, năm 2012 một số cán bộ đến dùng mấy cây trụ gỗ kẹp vào mấy cây trụ cột chống đỡ. “Sống trong ngôi nhà cổ này là niềm tự hào nhưng do nó xuống cấp nên chúng tôi rất lo sợ bị sụp. Cứ những lúc trời mưa bão gia đình phải đi ở nơi khác chứ không dám ở trong nhà. Mong rằng nhà nước sớm tu bổ, chứ đừng để đổ sụp xuống hư hỏng hết các kiến trúc cổ thì không có ý nghĩa gì hết” - cụ Sâm phản ánh.
Tại một ngôi nhà khác ở số 26 Trần Quý Cáp, TP Hội An, anh Hồ Hoàn Toàn (42 tuổi) chủ nhà bày tỏ sự lo lắng: “Đây là ngôi nhà có tuổi thọ trên 100 năm, nhưng thực trạng của nó hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là 10 năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, ngôi nhà càng xuống cấp”.
Anh Hồ Hoàn Toàn bên trong ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi bị mục nát.
Từ tầng một bước lên cầu thang, anh không quên dặn, phải đi nhẹ nhẹ chứ không kẻo gặp phải mấy miếng ván mục thì cầu thang sẽ bị sụp. Chúng tôi đi trên cầu thang gỗ mà như đi trên dây. Khi lên đến tầng 2, anh Toàn chỉ chiếc xe đạp đang nằm một chỗ rồi anh bảo: “Tôi phải lấy chiếc xe đạp chằn lại chỗ ni để cảnh báo mấy đứa trẻ trong nhà tránh chỗ đó ra, chứ nếu đạp phải thì sập cả tầng xuống đất. Ở nhà cổ mà lo lắm anh ơi!”.
Anh Toàn cho biết, ngôi nhà này bố anh để lại, do nhà nằm trong diện nhà cổ nên muốn sửa theo ý mình cũng không được, vả lại nếu sửa thì tiền rất lớn, gia đình không đủ kinh phí. Để cầm cự, gia đình phải dùng thanh gỗ mới xen với thanh cũ để chống đỡ tạm bợ. Mái ngói rêu phong trên trăm năm tuổi cũng đã vỡ nhiều nơi khiến nước thấm xuống sàn gỗ, chảy vào nhà mỗi khi mưa lớn. Những phần phụ như cửa sổ, thềm nhà cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.
“Đã có 4 đoàn về kiểm tra, nhưng đến vẫn chưa thấy được tu sửa gì. Cách đây 7 tháng, mái ngói trên lầu bất ngờ đổ sụp xuống trần, rất may lúc đó 3 đứa con nhỏ đi học, còn tôi giữ xe phía trước nên không ai bị thương, chứ nếu ở trong nhà thì lúc đó bị vùi trong ngói rồi. Ai đó nói sống nhà cổ sướng lắm, chứ có biết đâu chúng tôi đang nỗi khổ trăm bề. Nắng thì nhìn thấu trời, còn mưa phải mang con đi gửi nhà bạn, nhiều lúc ngồi ngủ chứ nằm không được, nước mưa tràn khắp nhà…” - anh Toàn thở than.
Thường xuyên kiểm tra độ an toàn của nhà cổ!
Sáng ngày 9/11, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thời gian qua những công trình di tích, nhà cổ cần trùng tu cấp thiết vẫn được TP Hội An và sở trình lên UBND tỉnh, và tỉnh cũng đã có phương án cụ thể để trùng tu những trường hợp cấp thiết. Còn công tác kiểm tra độ an toàn của nhà cổ ở Hội An vẫn được các ngành chức năng tiến hành kiểm tra thường xuyên, đều có phương án chằng chống những ngôi nhà có nguy cơ sụp rồi lên phương án tu bổ khẩn cấp. Nhất là mùa mưa, bão phải kiểm tra độ an toàn ngôi nhà, nếu nhà nào không an toàn, phải di dời khẩn cấp người dân đến nơi an toàn”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phố cổ Hội An có hơn 1.108 di tích trong phố cổ và 259 di tích là đền, miếu ngoài phố cổ. Còn theo báo cáo quý III-2015, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã tiếp nhận 56 lượt hồ sơ sửa chữa di tích trong khu phố cổ. Qua kiểm tra, khảo sát và xem xét, đơn vị đã tham mưu cấp phép 52 hồ sơ.
Đối với dự án tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ, UBND TP Hội An đã phê duyệt 3 công trình gồm số 26 Bạch Đằng; 44/12 Phan Châu Trinh; 07 Trần Phú. Thời gian tới, tiếp tục tu bổ khẩn cấp 6 di tích có nguy cơ sụp là công trình 14 Nguyễn Thị Minh Khai, 30 Bạch Đằng, 26 Bạch Đằng, 51/2 Phan Châu Trinh, 77, 150 Trần Phú, 39 Tiểu La…
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 1997 đến 2003 tại phố cổ Hội An đã có 3 ngôi nhà sụp đổ. Mới nhất là vào tháng 10/2003, ngôi nhà cổ số 48 đường Bạch Đằng phố cổ Hội An đã bất ngờ sập đổ. Vào tháng 7.2013 căn nhà cổ số 134 đường Trần Phú, nằm cạnh khu vực Công viên Kazic ở phố cổ Hội An bốc cháy dữ dội. Trước đó, vào tháng 8-2012 lửa cũng đã thiêu rụi ngôi nhà cổ số 94 đường Trần Phú.
Được biết, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của 15 ngôi nhà cổ tại Hội An, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã đề xuất xin 100% kinh phí trùng tu 4 ngôi nhà từ nguồn vốn Nhà nước, còn lại 11 ngôi nhà sẽ do chủ sở hữu cùng Nhà nước góp kinh phí tu bổ, sửa chữa.
Tuy nhiên, tìn hiểu thì chúng tôi được biết, việc tu bổ di tích gặp phải nhiều khó khăn do những quy định chồng chéo về quản lý, về kinh phí trùng tu, đồng thừa kế, đồng sở hữu, đồng sử dụng… vì thế nhiều người dân đang sinh sống trong những ngôi nhà cổ vẫn cho rằng, sống trong nhà cổ nhưng lại khổ trăm bề.