Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang là chủ đề quan tâm của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Phần lớn ý kiến không đồng tình với việc tăng thuế giá trị gia tăng từ mức 5% lên 10% với lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Việc tăng thuế giá trị gia tăng với hoạt động văn hóa khiến nhiều đại biểu Quốc hội và những người thực hành văn hóa quan tâm, cho rằng ngành công nghiệp văn hóa vốn còn non trẻ ở Việt Nam sẽ khó có cơ hội phát triển nếu có thêm “rào cản” vì thuế.
Ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng là cần thiết để hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế.
Phân tích rõ hơn, ông Nam cho hay dự thảo Luật không chỉ điều chỉnh tăng thuế các hoạt động văn hóa, mà còn miễn thuế giá trị gia tăng cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu (được quy định tại Điều 5, Khoản 26, Điểm e), tức là có sự bao quát ở cấp độ vĩ mô, đảm bảo tính đồng bộ.
“Chúng ta không nên chỉ nhìn vào việc tăng thuế suất mà cho rằng ngành văn hóa không được quan tâm. Khi điều chỉnh chính sách, Nhà nước phải đảm bảo yếu tố trung lập, tổng thể, công bằng, khách quan, toàn diện,” ông Nam nhấn mạnh.
Các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% theo Điểm n, Khoản 2, Điều 8 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ này lại bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10% (Khoản 3, Điều 9, dự thảo Luật).
Theo PGS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng còn “èo uột”. Công nghiệp văn hóa của chúng ta mới manh nha phát triển, và ghi nhận thành quả đáng mừng ở một số phim điện ảnh và biểu diễn, không nên áp mức thuế chung cho cả ngành.
PGS.TS Từ Thị Loan đề xuất việc tăng thuế VAT nên được làm theo lộ trình hoặc phân loại theo từng lĩnh vực. Theo đó, không nên nâng mức thuế từ 5% lên 10% mà cần xây dựng lộ trình tăng dần qua các năm. “Sân khấu hiện đại hay truyền thống đều khó khăn trong cơ chế thị trường. Các loại hình nghệ thuật này đang rất cần sự ưu tiên từ Nhà nước. Việc đánh thuế cần xem xét về doanh thu của loại hình đó để đưa ra mức thuế phù hợp. Hiện tại đề xuất tăng thuế đang mang tính cơ học, máy móc cho toàn ngành”, PGS.TS Từ Thị Loan nêu.
Theo bà Loan, người dân bắt đầu có thói quen đến nhà hát xem kịch, vậy mà lại giáng một đòn thuế xuống, khác nào vùi dập thị trường vừa nổi lên. Để bảo tồn các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống cần nhiều hơn sự chung tay giúp sức từ Nhà nước.
Cùng quan điểm này, Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, dù đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành tựu, nhưng không thể “lạc quan tếu” với sự phát triển văn hoá của đất nước.
Ông khẳng định không thể chỉ nhìn một, hai bộ phim thu được trăm tỷ đồng mà nghĩ rằng toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng. Ông Bùi Hoài Sơn mong muốn có chính sách để thuế không trở thành rào cản cho khát vọng phát triển đất nước từ cảm hứng do các tác phẩm văn học, nghệ thuật đem lại.
Nêu ý kiến tại diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) đề nghị giữ mức thuế suất 5% cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim. Bà Đông cho rằng việc tăng thuế lên 10% sẽ làm giảm khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa và thể thao của nhân dân, đặc biệt là những hoạt động mang tính công cộng như bảo tàng, thư viện, và các sự kiện văn hóa cơ sở.
Theo nữ đại biểu, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa. Nhìn ra quốc tế, phần lớn Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều hỗ trợ phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp (phân bổ từ ngân sách nhà nước) và hỗ trợ gián tiếp (các hỗ trợ về thuế, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).
Theo Đại biểu Bùi Hoài Sơn, văn hóa cũng là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong kỷ nguyên mới của đất nước, do đó, cần tăng cường đầu tư cho văn hóa. Đầu tư cho văn hóa sẽ có tác động phát triển du lịch, kinh tế.
"Rất khó có thể tính toán được giá trị về mặt tiền bạc của các công trình văn hóa. Tôi lấy một ví dụ cụ thể nữa đó là khi chúng ta đi xem một bộ phim thì không thể định giá được niềm vui mà bộ phim mang lại. Chính vì thế nên khi sửa các luật như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng thì cần phải sửa theo hướng tạo thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa," đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
“Mức tăng thuế thêm 5% không quá cao nhưng đối với người tiêu dùng trong thời điểm nhạy cảm với sự tăng giá, lạm phát, việc tăng thuế sẽ hạn chế người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm văn hóa, thể thao.
Việc tăng thuế VAT đối với ngành văn hóa hoàn toàn không phù hợp xu thế chung của thế giới. Công nghiệp văn hóa khác nền các nền công nghiệp khác.
Văn hóa không thể để thị trường điều tiết 100%, dù có là ngành công nghiệp văn hóa cũng cần sự định hướng của Nhà nước. Không thể thả trôi văn hóa và để tiền bạc quyết định tất cả"
(Bà Ngô Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD- một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối, và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh)