Truyền thông Brazil mới đây cho biết, 6 tháng đầu năm nay rừng Amazon có tới 13.000 vụ cháy, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số tồi tệ nhất trong 20 năm qua.
Nguyên nhân số vụ cháy rừng tăng mạnh ở Amazon được cho là do đợt hạn hán lịch sử, kéo dài từ năm 2023 tới nay. Kể từ khi Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) Brazil bắt đầu lưu dữ liệu vào năm 1998, chỉ có 6 tháng đầu năm của năm 2003 và năm 2004 ghi nhận nhiều vụ cháy rừng hơn 6 tháng vừa qua của năm 2024.
Chính quyền Brazil đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi phải đối mặt với các đám cháy rừng ngoài tầm kiểm soát. Trong đó, vùng Pantanal là nguy ngập nhất. Đáng chú ý, Pantanal lại là khu vực tự nhiên sở hữu vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới kéo dài đến Bolivia và Paraguay. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có quần thể báo đốm rất hiếm hoi.
Pantanal có diện tích lớn hơn nước Anh (gần 244.000 km2) cũng đã từng trải qua thời kỳ tồi tệ nhất vào năm 2020 khi 30% vùng đất ngập nước bị ảnh hưởng bởi cháy rừng. Nhưng, thật đáng lo ngại khi tính đến thời điểm hiện tại, số vụ cháy rừng đã xảy ra nhiều hơn 33% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Gustavo Figueiroa - Giám đốc tổ chức SOS Pantanal cho rằng, Pantanal sẽ xảy ra cháy rừng nhiều hơn so với cao điểm năm 2020. Và điều đó thì thật là đáng sợ.
Trong khi đó, dữ liệu vệ tinh môi trường từ Đại học bang Rio de Janeiro cho biết, các đám cháy đã thiêu rụi gần 627.000 ha rừng ở bang Mato Grosso do Sul kể từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, mùa hè năm nay, cháy rừng không chỉ diễn ra ở Brazil. Thời gian qua, cháy rừng đã thiêu rụi nhiều vùng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Hy Lạp và Mỹ khi những đợt nắng nóng cực đoan đẩy nền nhiệt lên mức như thiêu đốt. Nói với kênh truyền hình France 24, ông Stefan Doerr- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cháy rừng tại Đại học Swansea của Anh cho rằng trong mùa hè nóng nực này thì cháy rừng có thể sẽ tấn công ở bất cứ đâu và khi nào có bùng phát thì vẫn là một thách thức. “Rõ ràng chúng ta chưa chuẩn bị đủ tốt cho tình huống mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay” - ông Doerr nói.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution mới đây cho biết tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng thảm khốc đã tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới trong vòng 20 năm qua, chủ yếu do các hoạt động của con người khiến Trái đất nóng lên. Năm 2023 là năm xảy ra các vụ cháy rừng với cường độ khủng khiếp nhất, làm trầm trọng thêm tình trạng Trái đất nóng lên, gây thiệt hại nặng nề đối với kinh tế nhiều quốc gia cũng như đối với môi trường tự nhiên và sinh kế của con người.
Trong khi đó, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra cảnh báo số vụ cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu có thể tăng 50% trong vòng 30 năm tới. Còn theo ông Jesus San - Trung tâm nghiên cứu thuộc Ủy ban châu Âu, cháy rừng diễn ra không phân biệt ranh giới quốc gia và các vụ cháy rừng ngày càng trở nên nghiêm trọng khi nền nhiệt ngày một tăng.
Trong bối cảnh đó, các khu rừng ôn đới châu Âu cũng không thoát được cảnh bị các ngọn lửa tấn công. Tại Hy Lạp, kể từ mùa hè năm 2022 đến nay các đám cháy rừng luôn rình rập. Cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã phải kêu gọi người dân nước này đoàn kết để ứng phó với “mùa cháy rừng” nghiêm trọng.
Cũng ít ai có thể nghĩ rằng Bắc Cực vốn là nơi băng giá thế nhưng các vạt rừng cây lá kim ở đây cũng bốc cháy. Ở khu vực Vòng Bắc Cực, Cộng hòa Sakha thuộc vùng Siberia của Nga là nơi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các đám cháy.
Theo bà Gail Whiteman - giáo sư Đại học Exeter (Anh) Bắc Cực đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu. Những đám cháy rừng ngày càng gia tăng ở Siberia là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hệ sinh thái quan trọng này đang đến gần các điểm nguy hiểm của khí hậu.
Bà Whiteman nhấn mạnh rằng tác động của biến đổi khí hậu tại Bắc Cực không chỉ giới hạn trong khu vực này. “Những thay đổi tại Bắc Cực đang làm gia tăng nguy cơ toàn cầu đối với loài người” - giáo sư Whiteman cảnh báo.
Tuần đầu tháng 7, bang California (Mỹ) đã phải hứng chịu tiết trời oi bức với nền nhiệt lên tới 47 độ C. Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết thành phố Sacramento của bang California sẽ phải tiếp tục bị nắng nóng thiêu đốt kể từ ngày 9 đến 15/7; khi mà nhiệt độ phổ biến từ 40,5 độ C đến 46,1 độ C. Đặc biệt, mức nhiệt tại vùng Palm Springs trên 47 độ C. Nắng nóng đã tạo điều kiện cho cháy rừng bùng phát, với cảnh báo cháy rừng mức cao nhất được ban bố trên toàn bang California. Hơn 15.000 người sống trong và xung quanh thị trấn Oroville thuộc bang California đã phải sơ tán do cháy rừng. Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, đã kích hoạt Trung tâm Điều hành bang để điều phối hoạt động ứng phó với cháy rừng, trong đó có cả việc hỗ trợ người dân địa phương khi họ phải đối phó với các mối đe dọa cháy rừng và nắng nóng quá mức.