Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi có dịp gặp Giáo sư Võ Tòng Xuân, vừa là dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, vừa là dịp để chia sẻ về những điểm nhấn của nền nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long những năm qua.
PV: Giáo sư nhận định thế nào về ý kiến cho rằng Nghị quyết 120 (NQ120) của Chính phủ đang tạo ra tương lai xán lạn cho nền nông nghiệp Việt Nam?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Mặc dù hàng năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều phải đối phó với mưa lũ và hạn hán do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, nhưng từ khi có NQ120 vào cuối năm 2017 của Chính phủ về chủ trương thuận thiên, nông nghiệp của vùng ĐBSCL phát triển tương đối thuận lợi.
Đặc biệt năm 2022-2023 nông dân đã bội thu, xuất khẩu nông sản tăng rõ rệt nhất là mặt hàng gạo sạch, trái cây nhiệt đới và thủy sản. Bù lại phần nào cho những thiệt hại to lớn do thiên tai hạn mặn những năm trước đã tàn phá hàng trăm nghìn ha lúa, màu.
Trong thắng lợi của ngành nông nghiệp vùng Tây Nam bộ chúng ta vui mừng khi Chính phủ đã gỡ “vòng kim cô” an ninh lương thực để thay vào đó là một tư duy mới, tư duy thuận thiên rất phù hợp trong thời biến đổi khí hậu: không coi nước mặn là một trở ngại nữa mà biến nó thành cơ hội, bớt diện tích lúa để dành đất và tiết kiệm nước ngọt trồng những loại cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao hơn. Và nhà nước khuyến khích các địa phương đầu tư cho nông dân có thể tận dụng cơ hội đó để chung tay nâng cao GDP của đất nước và lợi tức của từng người nông dân. Rõ ràng NQ120 của Chính phủ đã mở ra một chân trời hy vọng cho kinh tế nông nghiệp phát triển.
Như vậy muốn thực hiện NQ120 các địa phương sẽ phải giảm diện tích lúa để trồng những loại cây có giá trị cao hơn nhưng tiêu tốn nước ngọt ít hơn, hoặc nuôi thủy sản có giá trị cao. Về vấn đề này hiện nay các địa phương đang rất lúng túng, vì “trồng cây gì” hoặc “nuôi con gì” đều phải bảo đảm được đầu ra, tiêu thụ chắc chắn, nếu không thì vẫn cứ phải trồng lúa mới giữ vững được chỉ tiêu GDP. Để phá vòng luẩn quẩn của cây lúa, nhất thiết các địa phương phải quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí những vùng lúa nào cần được thay thế, rồi thu hút doanh nghiệp (DN) về đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi, DN đó phải có đầu ra chắc chắn, rồi sau đó mới tổ chức sản xuất lại tại vùng có quy hoạch mới. Ở đây chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của các DN chế biến và tiêu thụ nông sản, họ không thể thiếu trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp theo NQ120. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang gấp rút lấy ý kiến chuyên gia và lãnh đạo các tỉnh để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức sản xuất “1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.
Chúng ta có thể yên tâm về viễn cảnh một tương lai xán lạn của nền nông nghiệp mới của Việt Nam đang ở phía trước với những doanh nhân năng động gặp gỡ những nhà lãnh đạo năng động của các tỉnh, cùng nhau quyết tâm thực hiện NQ120 - trong đó có dự án 1 triệu ha lúa với sự trợ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các nhà tài trợ quốc tế. Trung ương và địa phương một mặt cần tiếp cận thông tin thị trường thế giới, mặt khác đồng thời tìm ra những doanh nhân có tâm và có tài nắm bắt thông tin thị trường để đầu tư chế biến sản xuất những sản phẩm từ nông sản nguyên liệu địa phương có thể đáp ứng với nhu cầu của khách hàng quốc tế cũng như trong nước.
Nông nghiệp của chúng ta những năm qua có nhiều thành tích vượt bậc nhưng nông dân vẫn nghèo, ông suy nghĩ thế nào về điều này?
- Tất cả những cố gắng của nhà nước và các DN sẽ đều như “công dã tràng” nếu không có những nông dân đổi mới. Phần lớn nông dân Việt Nam là những người làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún của mình, nhất là nông dân trồng lúa. Và thực tế đời sống bà con nông dân trồng lúa rất bấp bênh.
Suy cho cùng cái nghèo, cái bấp bênh của nông dân ta một phần do trồng lúa giá quá rẻ mà chi phí quá cao. Dĩ nhiên ngày nay chúng ta cũng có một số nông dân giàu, nhưng đây là những nông dân có tầm nhìn xa trông rộng, dám nuôi, trồng những loại cây khác ngoài cây lúa. Làm sao để người nông dân có tầm nhìn xa hơn để họ sản xuất những sản phẩm giá trị cao hơn, quy mô hơn, khi đó nông dân mới có thể giàu? Đây là một thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp nước ta hiện nay.
Vậy phải chăng đã đến lúc nông dân cần tự đổi mới, thưa giáo sư?
- Người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân biết chủ động liên kết, cùng bắt tay nhau trong những hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới để tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất lúa sạch, rau quả sạch, hoặc vùng công nghiệp thủy sản sạch để cung cấp cho DN chế biến, từ đó sản phẩm của nông dân sẽ được tiêu thụ ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Với sự tổ chức hợp lý của nhà đầu tư và nhà nước, những người nông dân đổi mới này sẽ không bị mất đất, mà đất của họ trong HTX nông nghiệp kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới và trở thành cánh đồng lớn, được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương, có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển cây trồng hoặc thủy sản của bà con đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng.
Như vậy mỗi nông dân xã viên của HTX nông nghiệp kiểu mới đều được chia lại diện tích (trừ tỷ lệ bỏ ra để làm kênh mương và đường giao thông) để canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi của mình dưới sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật đến từ các DN. Người nông dân đổi mới trong môi trường mới này sẽ không còn lo lắng về đầu ra cho sản phẩm, cũng không lo bị thương lái ép giá, không lo điệp khúc “được mùa rớt giá” nữa. Mọi thứ đều có DN, nhà đầu tư lo. Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, thu nhập ổn định và cao hơn. DN cũng có doanh thu cao hơn, nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn.
Chúng ta hy vọng những khu công nghiệp rau quả hoặc thủy sản như trên sẽ bắt đầu hình thành ngay từ năm 2024 dưới sự chỉ đạo quyết liệt của trung ương và địa phương. Đồng ruộng đổi mới của nước ta sẽ nhanh chóng được dồn điền đổi thửa để liên kết với các DN đầu tư, xây lên những nhà máy hiện đại chế biến nông sản và các phụ phẩm nông sản bên cạnh vùng nguyên liệu rộng lớn với cấu trúc hạ tầng hiện đại.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đặc biệt năm 2022-2023 nông dân đã bội thu, xuất khẩu nông sản tăng rõ rệt nhất là mặt hàng gạo sạch, trái cây nhiệt đới và thủy sản. Bù lại phần nào cho những thiệt hại to lớn do thiên tai hạn mặn những năm trước đã tàn phá hàng trăm nghìn ha lúa, màu.