Khi phụ nữ vận hành thế giới

Khánh Duy 04/09/2016 08:05

Năm 1916, Quốc hội Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử có một nữ thành viên được bầu chọn. Và 100 năm sau sự kiện đó, ở thời điểm hiện tại, vai trò của phụ nữ trên trường chính trị ở nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới đã chứng kiến một sự thay đổi lớn.

Thế giới ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo quyền lực.

Năm 1916, bà Jeannette Rankin đã làm nên lịch sử khi được bầu chọn vào Hạ viện Mỹ. 4 năm trước khi Tu chính án thứ 19- nghiêm cấm việc mọi công dân Mỹ bị từ chối quyền bầu cử dựa trên cơ sở giới tính được phê chuẩn và khi quốc gia này công nhận việc một người phụ nữ đến từ Montana được bầu chọn làm đại diện Washington, nắm giữ một ghế trong Quốc hội. Vào đúng ngày mà bà giành chiến thắng, Rankin từng tuyên bố: “Tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên trở thành thành viên Quốc hội, nhưng không phải là người cuối cùng”.

Tuyên bố cách đây tròn 100 năm của bà Rankin dường như đã trở thành sự thực khi nước Mỹ ngày nay chứng kiến sự trỗi dậy của nữ quyền trên trường chính trị. Trong khoảng những năm 1980 - 2000, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ ghế trong Quốc hội Mỹ đã tăng gấp 4 lần, từ 3% lên 12%. Những năm sau đó, tuy nhiên, tỷ lệ này thậm chí không tăng được quá 2 lần, và hiện tại đang ở mức 20%.

Nhưng sự trỗi dậy của nữ quyền không chỉ gói gọn ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Mỹ thậm chí còn bị các nước phát triển bỏ xa về tỷ lệ nữ giới tham gia chính trị, đứng ở vị trí thứ 95 trên bảng xếp hạng do Liên minh Nghị viện Thế giới công bố. Các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng này bao gồm Rwanda, Bolivia và Cuba.

Nếu xét rộng hơn nữa, thì nước Mỹ thậm chí còn chưa từng có một vị nữ Tổng thống trong lịch sử của họ; phải mãi đến năm 2008 bà Hillary Clinton mới chỉ sít soát giành được vị trí ứng viên đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống, nhưng cuối cùng lại để lọt vị trí này vào tay ông Barack Obama.

Trong khi đó, nếu so sánh, hiện có trên 80 quốc gia trên thế giới từng bầu cử một vị nữ lãnh đạo nhà nước hoặc làm người đứng đầu chính phủ. Người đầu tiên trong số đó là nữ Chủ tịch Khertek Anchimaa-Toka của nước Cộng hòa Nhân dân Tannu Tuva; nhậm chức cách đây gần 80 năm.

“Bóng hồng” trên trường chính trị Mỹ

Con đường dẫn tới quyền lực ở mọi vị trí của phụ nữ trên đất Mỹ không phải một con đường rải hoa hồng mà đầy chông gai. Như hồi năm 1917, việc bầu chọn bà Rankin vào Quốc hội đã bị chậm trễ mất một tháng liền vì giới nam nghị sỹ còn tranh luận xem liệu có nên để một người phụ nữ vào Hạ viện hay không. Một số người phụ nữ tranh cử vào các văn phòng chính phủ lúc bấy giờ cũng bị khước từ quyền được tham gia bầu cử.

Nhưng quan điểm của người Mỹ về việc nữ giới nắm giữ các vị trí lãnh đạo kể từ đó đã thay đổi đáng kể. Một cuộc thăm dò mà hãng Gallup công bố hồi năm 2015 cho thấy 9/10 người dân Mỹ nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho một người phụ nữ làm Tổng thống nếu như người này có đủ tố chất cần thiết. Tỷ lệ này đã tăng đến 40% so với kết quả thăm dò mà Gallup thực hiện hồi năm 1969.

Tương tự, một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện năm 2015 cũng cho thấy đa phần người dân Mỹ coi đàn ông và phụ nữ là bình đẳng xét về trí tuệ, khả năng lãnh đạo và nhiều tố chất khác.

Dù vậy, sự thay đổi này ở hiện tại vẫn chưa thể tạo nên một bước đột phá thực sự. Ở Quốc hội Mỹ, tỷ lệ nam giới vẫn đang áp đảo, trong khi tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo trong văn phòng chính phủ ở các bang vẫn ở mức dưới 25%. Phụ nữ ở Mỹ đang nắm giữ khoảng ¼ trong số 312 các vị trí văn phòng lãnh đạo liên bang, trong khi chỉ có 6 phụ nữ đang làm Thống đốc bang.

Dù bà Hillary Clinton đã thất bại trong việc giành vị trí ứng viên đại diện đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống trong năm 2008, nhưng hiện tại bà đã vượt qua được thử thách này. Một lần nữa, bà được trao cho một cơ hội hiếm có, mà có thể sẽ giúp bà trở thành vị nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Bà Clinton hiện được xem là vị nữ ứng viên xuất sắc nhất mà nước Mỹ từng có, nhưng lại không phải người phụ nữ đầu tiên đạt được thành tựu này. Năm 1872, nhà hoạt động nhân quyền Victoria Woodhull đã đại diện đảng Quyền bình đẳng ra tranh cử Tổng thống, trở thành người phụ nữ đầu tiên ra tranh cử vị trí quyền lực nhất.

Sự trỗi dậy của nữ quyền

So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nước Mỹ vẫn đang tụt hậu xét về phụ nữ nắm giữ các vị trí ở cơ quan lập pháp và vị trí lãnh đạo trong chính phủ. Rwanda, quốc gia duy nhất trên thế giới có phụ nữ nắm phần đông trong Quốc hội, với quan điểm rõ ràng rằng nữ giới phải nắm giữ ít nhất 30% số ghế.

Theo LHQ, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ ghế trong Quốc hội trên toàn thế giới đã tăng gần gấp đôi trong vòng 20 trở lại đây, tức chiếm khoảng 22%. Sự xuất hiện của phụ nữ trong chính phủ còn phụ thuộc vào khu vực địa lý. Ví dụ, các nước Bắc Âu có tỷ lệ phụ nữ nắm giữ quyền lực khá cao – khoảng 40%. Châu Âu, trừ các nước Bắc Âu, và vùng cận-Sahara ở châu Phi thì có khoảng ¼ số ghế trong Quốc hội thuộc về phụ nữ. Châu Á, Trung Đông, Bắc Phi và Thái Bình Dương thì đều có tỷ lệ phụ nữ nắm giữ ghế trong Quốc hội trung bình là 20%.

Ngoài ra, còn một số quốc gia có tỷ lệ vượt trội hơn hẳn, như việc Iraq và Afghanistan có tới trên 26% phụ nữ trong Quốc hội – nhiều hơn Mỹ tới 6%.

Xét trên toàn thế giới, tính đến nay có trên 80 quốc gia từng có một nữ lãnh đạo nhà nước hoặc người đứng đầu chính phủ. Dù quyền lực của họ còn tùy thuộc vào Hiến pháp hoặc Quốc hội mỗi nước, nhưng họ đều nắm giữ quyền lực nhất định, đều thông qua quá trình bỏ phiếu theo đúng quy định và đại diện cho bước tiến mới của nữ quyền trên trường chính trị thế giới.

Nhật Bản mới đây đã lựa chọn 2 phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng bậc nhất của họ, gồm Thị trưởng thành phố thủ đô Tokyo và Bộ trưởng Quốc phòng. Sau chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu hôm 31/7 vừa qua, bà Yuriko Koike đã trở thành vị nữ Thị trưởng đầu tiên của Nhật Bản. Đến ngày 3/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục chỉ định bà Tomomi Inada, một đồng minh bảo thủ, vào vị trí Bộ trưởng quốc phòng.

Thế giới vận hành bởi phụ nữ

Trong trường hợp bà Hillary Clinton, người đang nắm giữ vị trí ứng viên đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào tháng 11 tới; phụ nữ sẽ nắm giữ vị trí lãnh đạo ở 5 cường quốc và tổ chức hàng đầu của thế giới bao gồm: Mỹ, Anh, Đức, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Trong số này có 3 nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất và 2 thể chế tài chính quan trọng nhất thế giới. Đó là chưa kể thời gian gần đây, nhiều hãng truyền thông quốc tế đã gợi mở khả năng người kế nhiệm vị trí của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong tương lai có thể là một người phụ nữ. Tuy chưa rõ về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ hay người sẽ trở thành Tổng Thư ký mới của LHQ, nhưng nhiều người đã có thể liên tưởng đến một thế giới mới được vận hành bởi phụ nữ.

Điều này sẽ có ý nghĩa ra sao? Và thế giới sẽ thay đổi như thế nào nếu phụ nữ được đặt trong những vị trí lãnh đạo chóp bu? Đó chắc chắn sẽ là một sự kiện to lớn, và là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Cách đây khoảng nửa thế kỷ, có lẽ chưa ai từng tưởng tượng về viễn cảnh mà trong đó nữ quyền lên ngôi và vận hành thế giới này.

Đối với những người tin tưởng rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi phụ nữ nắm quyền lãnh đạo thì đây là một điều đáng mừng. Nhiều nghiên cứu của các trung tâm phân tích từng công bố cũng cho thấy rằng, nhiều công ty hay tổ chức sẽ thu được hiệu quả lớn hơn khi được dẫn dắt bởi cả phụ nữ và đàn ông. Điều này được cho là nhờ vào sự kết hợp giữa quan điểm và kinh nghiệm của lãnh đạo nữ và lãnh đạo nam, giúp họ đưa ra các quyết định tốt hơn.

Ngày càng có thêm phụ nữ nắm giữ vị trí Thủ tướng, Tổng thống, Chủ tịch, Giám đốc điều hành…cũng gửi đi một thông điệp rõ ràng cho những người phụ nữ trẻ tuổi rằng họ cũng có thể trở thành những người quyền lực trong cộng đồng và trên thế giới. Họ có thể làm việc ở số 10 phố Downing, ở Nhà Trắng, Nhà Xanh hay bất cứ cơ quan quyền lực nào khác…

Một số nghiên cứu mới đây nhất nhận định rằng, một nguyên nhân khiến các tổ chức trên thế giới vận hành tốt hơn dưới bàn tay lãnh đạo của phụ nữ là do phụ nữ có cách quản lý khác biệt. Điều này có thể gây tranh cãi, nhưng phụ nữ luôn sở hữu các tố chất mà đàn ông không có hoặc có ít.

Theo nghiên cứu của Pew Research Center, phụ nữ thường có xu hướng nắm bắt tốt hơn bầu không khí trong phòng họp, họ có xu hướng lắng nghe, thường mong muốn cách tiếp cận thỏa hiệp trong việc giải quyết xung đột và luôn tốt hơn nam giới trong vai trò là người hòa giải.

Hôm 13/7, bà Theresa May đã chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh, kế nhiệm ông David Cameron, sau khi ông này rời khỏi văn phòng vì kết quả trưng cầu dân ý có kết quả khiến nước này phải rời bỏ Liên minh châu Âu (EU). Bà May nhấn mạnh cam kết thúc đẩy Brexit nhưng giải thích rằng Anh cần một khoảng thời gian để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi phụ nữ vận hành thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO