Sáng 12/12, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội tổ chức hội thảo “Đào tạo tài năng sáng tác văn học”. Theo PGS.TS Ngô Văn Giá- trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội: Việc đào tạo những người viết văn càng ngày càng khó, nhất là không còn mấy ai mặn mà với viết văn nên công tác tuyển sinh rất khó khăn…
Tại Hội thảo, một số nhà văn, nhà thơ cho rằng không thể đào tạo được tài năng văn học mà phải phân định rõ đây là việc đào tạo người làm nghề sáng tác văn học. Và việc viết văn chỉ có thể dành cho người có năng khiếu. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói: “Làm sao mà đào tạo được tài năng văn học. Những khóa học này cần gọi rõ là học nghề vì viết văn cũng là một nghề với những kỹ thuật, kỹ năng”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc chủ động phát hiện tài năng rất quan trọng qua các kênh như liên kết với trường năng khiếu của các trường chuyên ở tỉnh hay từ sự giới thiệu của các nhà văn, nhà thơ uy tín, từ các hội văn học nghệ thuật địa phương... “Nhưng khi đã phát hiện được tài năng thì cần phải nâng đỡ, chăm sóc học viên”- nhà thơ Trần Quang Quý góp ý. Còn nhà văn Y Ban cho rằng, việc học ở đây là sự gợi mở, đừng quá khuôn mẫu và cần tôn trọng sự khác biệt.
Về đội ngũ giáo viên, các ý kiến đều đề cao việc mời các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng giảng dạy, trò chuyện và truyền nghề. Và chương trình học ở đây cầu phân bố hài hòa giữa kiến thức hàn lâm và việc thực hành nghề nghiệp. “Theo tôi, bên cạnh việc học kiến thức hàn lâm thì chương trình học cần nghiêng về thực hành là nhiều hơn”- nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nói.
Bên cạnh các yếu tố đó, nhiều ý kiến đặc biệt xoáy sâu vào việc tạo môi trường sáng tạo cho học viên để làm sao những khoa sáng tác văn học nghệ thuật như Khoa Viết văn – Báo chí của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội là không còn quá hàn lâm, xa lạ mà phải thật gần gũi không chỉ với học viên mà với cả những nhóm trẻ yêu thích văn chương.
Qua thực tế trải nghiệm của bản thân khi giao lưu cùng với nhiều nhóm trẻ yêu văn chương, TS Trần Ngọc Hiếu đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất: “Để tài năng phát triển thì chúng ta cần tạo ra một môi trường sáng tạo bao dung, linh hoạt chứ không phải là những nội quy, nguyên tắc gò ép, làm theo mệnh lệnh. Và cái thiếu nhất của những nơi đào tạo về sáng tạo văn học nghệ thuật hiện nay là thiếu một không gian thân thiện và không gian sẻ chia”.