Mặc dù đã lên kế hoạch “hạ nhiệt” bằng cách bổ sung hơn 5.500 chỉ tiêu ở nhiều trường THPT có đông thí sinh đăng ký nhưng ghi nhận thực tế cho thấy, kỳ thi ở TPHCM vẫn diễn ra khá căng thẳng. Kết thúc 3 môn thi, nhiều thí sinh có học lực giỏi nhưng cũng cảm thấy áp lực vì dự báo điểm thi sẽ khó lường.
Với hơn 98.000 thí sinh tham gia, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM đã kết thúc khá tốt đẹp về công tác tổ chức. Tổng chỉ tiêu vào các lớp 10 công lập là hơn 77.000 học sinh cho tất cả các trường THPT thường trên địa bàn. Nghĩa là trung bình 3 thí sinh dự thi, sẽ có hơn 2 thí sinh trúng tuyển (tỷ lệ chính xác là khoảng 78% thí sinh dự thi sẽ trúng tuyển). Tuy nhiên, do việc chọn lựa các nguyện vọng và điểm chuẩn của các trường THPT chênh lệch nhau khá lớn (ở những năm trước) cho thấy, có thí sinh này cao hơn thí sinh kia từ 1-3 điểm nhưng lại không trúng tuyển và ngược lại. Chính điều này đã tạo áp lực lên nhiều thí sinh khi chưa biết điểm thi và điểm chuẩn. Thực tế, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ở TPHCM liên tục tăng trong vài năm qua nhưng áp lực của kỳ thi này vẫn chưa giảm. So với năm 2020, TPHCM đã nâng chỉ tiêu thêm khoảng 12.000 suất nhưng do dân số tăng nhanh, khiến áp lực vẫn còn khá lớn. Trong đó, các trường ở khu vực trung tâm thành phố hay mật độ cư dân cao, có danh tiếng đào tạo tốt, thường có đông thí sinh đăng ký nguyện vọng hơn (tức tỷ lệ trúng tuyển sẽ khó hơn). Những trường như THPT Gia Định, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thượng Hiền… được dự báo sẽ có điểm chuẩn thuộc top cao nhất thành phố. Ngược lại, nhiều trường ở vùng ngoại thành, tỷ lệ trúng tuyển sẽ “dễ thở” hơn. Thậm chí một vài trường THPT ở các huyện như Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi… số thí sinh đăng ký nguyện vọng chỉ tương đương với chỉ tiêu trúng tuyển. Ngoài ra, do tốc độ đô thị hoá nhanh nên một vài trường ở vùng ven (huyện Hóc Môn, Bình Chánh) lại có rất đông thí sinh đăng ký, 2-3 năm gần đây, mức điểm chuẩn thậm chí còn cao hơn cả một vài trường ở trung tâm đã ổn định dân số. Đây là điều khiến nhiều thí sinh có học lực không quá nổi trội đã cân nhắc, tìm hiểu thay đổi lựa chọn khi đăng ký.
Anh Nguyễn Văn Lượng, ở phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) cho biết, năm nay con gái út thi vào lớp 10. “Quanh nhà tôi bán kính 6 - 7km có tới gần 10 trường THPT công lập. Nhưng tôi cũng đắn đo vì học lực của con gái không quá giỏi. Hôm nay thi xong con nói có thể được tầm 20 - 21 điểm nhưng tôi vẫn chưa an tâm vì điểm chuẩn có thể tăng thêm so với năm trước” - anh Lượng cho biết. Cũng theo anh Lượng, nếu con gái không đậu kỳ thi này và phải học trường tư thì gia đình sẽ rất khó khăn do các khoản đóng góp ở trường tư thường cao gấp 2-3 lần trường công lập và chất lượng đào tạo cũng không có gì hơn. Trong khi đó, với khối các trường chuyên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình hình cạnh tranh sẽ căng thẳng và gay gắt ở nhóm các trường THPT thường do thí sinh đăng ký cao hơn.
Theo thống kê của Sở GDĐT TPHCM, kỳ thi tuyển sinh năm học 2024 - 2025 diễn ra bình thường, đúng kế hoạch và không phát sinh vấn đề bất thường quá lớn nào. Số thí sinh vắng mặt tại kỳ thi này không nhiều, chỉ khoảng 0,5% ở mỗi môn thi, nằm trong dự kiến từ trước. Trong đó các môn như Ngữ văn có 263 thí sinh vắng mặt, Ngoại ngữ có 308 thí sinh vắng mặt…
Có thể nói, dù đã có nhiều giải pháp như xây dựng thêm trường, mở thêm lớp mới cũng như tăng chỉ tiêu ở những trường có tỷ lệ cạnh tranh cao nhưng tình trạng căng thẳng ở kỳ thi này vẫn còn, tạo áp lực lớn lên học sinh, phụ huynh.