Ổn định lãi suất tiến tới hạ lãi suất cho vay là mong muốn của số đông cộng đồng doanh nghiệp cũng như của chính cơ quan quản lý. Thế nhưng mong muốn chỉ là mong muốn, thực tế không hề như kỳ vọng...
Lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đang tăng.
Lãi suất tiền gửi đang cao
Hiện nay nhiều ngân hàng tiếp tục tung ra các gói hỗ trợ lãi suất tiền gửi để hút khách hàng. Bên cạnh các loại chứng chỉ tiền gửi ưu đãi lãi suất trên 8%, nhiều ngân hàng cũng áp dụng mức lãi suất cao. Đơn cử như Ngân hàng VietCapitalBank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất trên thị trường, với 8,6%/năm cho kỳ hạn 2, 3, 4 và 5 năm. Từ kỳ hạn 12 tháng lãi suất là 8%, 13 tháng là 8,4%/năm; 15 tháng là 8,3%/năm; 18 tháng là 8,5%/năm.
Tại SCB, ở hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất là 8,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng trở lên. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của VIB là 8,6%/năm; kỳ hạn 24 tháng của MSB 8,2%/ năm; Nam Á Bank áp dụng mức lãi suất 8,7% cho kỳ hạn 36 tháng. Ở kỳ hạn dài, VietCaptial Bank và TPBank niêm yết mức 8,6%…
Theo phân tích, hiện nay các ngân hàng đang “chạy” cơ cấu lại nguồn vốn trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo thảo lấy ý kiến về việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chỉ còn 35% vào đầu năm 2020. Các ngân hàng buộc phải chuẩn bị bước tăng vốn ngắn hạn và công cụ lãi suất được ngân hàng sử dụng. Do vậy, theo nhận định chung từ giới chuyên gia, bài toán kìm lãi suất thực sự sẽ khó khăn.
Chi phí đầu ra khó giảm
Trong khi đó muốn giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải giảm lãi suất đầu vào hoặc giảm tỷ lệ lãi cận biên (NIM). Thế nhưng như diễn biến thị trường đã chỉ ra ở trên, mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức cao. Bên cạnh đó, hiện NIM của các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định sẽ chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Song vẫn còn rất nhiều thách thức về lạm phát, áp lực từ tỷ giá ngoại tệ…nên trong những điều kiện nêu trên, mặt bằng lãi suất giữ được ổn định đã là một thành công, còn việc giảm hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác.
Bản nghiên cứu mới nhất về thị trường được Công ty Chứng khoản Bảo Việt (BVSC) đưa ra nhận định, sẽ khó có khả năng Ngân hàng Nhà nước nới lỏng mạnh tay chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 do một số nguyên nhân chủ yếu như: Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 5,4%, trong đó giá thịt lợn tăng 14,8% (làm CPI tăng 0,62%); Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,99% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu xây dựng tăng; Việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt của Bộ Công thương làm giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,84% so với cùng kỳ năm 2018. BVSC cho rằng, mặc dù lạm phát toàn phần vẫn đang duy trì ở mức thấp nhưng chỉ số lạm phát lại đang duy trì xu hướng tăng liên tục kể từ đầu năm đến nay, từ mức 1,83% lên mức 1,96%.
“Việc lạm phát tăng cho thấy mặt bằng giá cả chung trên thị trường vẫn đang có chiều hướng nhích lên. Trong 6 tháng cuối năm, giá thịt lợn có thể là một rủi ro tiềm ẩn với chỉ số lạm phát chung khi nguồn cung trở nên khan hiếm do tác động có độ trễ của dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong ngắn hạn cũng có thể có diễn biến khó lường trước căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran” – BVSC nhận định.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu BVSC cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì như hiện nay với mục tiêu tăng trưởng M2 và tín dụng cho cả năm 2019 chỉ ở mức 14-15%.
Tại cuộc họp thường kỳ quý II/ 2019 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vừa diễn ra vào ngày 2/7 vừa qua, các thành viên của Hội đồng cũng đã đề xuất với Chính phủ chưa cần thay đổi chính sách tiền tệ, tài chính, mà thúc đẩy hơn nữa ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng nội lực của nền kinh tế.