Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đến nay tiến độ thực hiện các dự án thành phần vẫn chỉ xác định là cơ bản hoàn thành năm 2021, đối với cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu dự kiến hoàn thành năm 2023. Như vậy, khả năng hoàn thành dự án theo nghị quyết của Quốc hội là khó khăn.
Phiên họp Quốc hội ngày 1/11. Ảnh: Quang Vinh.
Ngày 1/11, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo một số ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, Uỷ ban Kinh tế cho biết, đến nay tiến độ thực hiện các dự án thành phần vẫn chỉ xác định là cơ bản hoàn thành năm 2021, đối với cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu dự kiến hoàn thành năm 2023. Như vậy, khả năng hoàn thành dự án theo nghị quyết của Quốc hội là khó khăn.
Để bảo đảm dự án không bị kéo dài, đạt được hiệu quả cao đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ theo nhiệm vụ được giao, báo cáo nêu rõ.
Về hướng tuyến, phạm vi của dự án theo báo cáo của Chính phủ do các dự án đã triển khai từ giai đoạn 2010-2012 nhưng chưa được đầu tư và cắm mốc giải phóng mặt bằng nên một số địa phương trong quá trình thực hiện đã cấp đất xây dựng công trình hoặc điều chỉnh quy hoạch của địa phương chồng lấn với quỹ đất dự kiến dành cho đường cao tốc… nên phải điều chỉnh cục bộ hướng tuyến, dẫn đến chiều dài toàn tuyến tăng lên.
Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc phải điều chỉnh hướng tuyến và chiều dài toàn tuyến ảnh hưởng như thế nào đến Dự án và đánh giá bổ sung tác động đến tình hình kinh tế - xã hội khi hướng tuyến và chiều dài toàn tuyến có sự thay đổi.
Theo chủ trương được Quốc hội quyết thì sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 118.716 tỷ đồng bao gồm: 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Tại kỳ họp này, gửi báo cáo đến Quốc hội, Chính phủ cho biết thực hiện bước nghiên cứu khả thi đo chuẩn xác lại được các thông số nên tổng mức đầu tư giảm được 13.524 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia đầu tư giảm được 3.896 tỷ đồng (tỷ lệ vốn tham gia đầu tư tăng so với bước nghiên cứu tiền khả thi), vốn nhà đầu tư giảm được 9.538 tỷ đồng so với bước nghiên cứu tiền khả thi.
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, theo quy định tại thông tư số 75/2017/TT-BTC, mức lãi suất vốn vay "không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án PPP trong 10 phiên đấu thầu phát hành thành công" thì mức lãi suất vốn vay đạt khoảng 7,2%/năm được sử dụng làm cơ sở xây dựng hồ sơ mời thầu.
Mặt khác, mức lãi suất vay dài hạn thực tế của thị trường hiện nay khoảng 10,5-11%, nên sẽ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trường hợp thực hiện theo lãi suất thị trường thì vốn nhà nước sẽ tăng lên (sử dụng toàn bộ vốn nhà nước khoảng 55.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14) với thời gian hoàn vốn cho 8 dự án theo hình thức PPP khoảng 24 năm.
Từ phân tích trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng đối với việc lấy lãi suất theo thị trường khi vốn nhà nước tham gia đầu tư dự án đã rất lớn (chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư của dự án) và làm rõ việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước ở bước nghiên cứu tiền khả thi so với bước nghiên cứu khả thi.
Ngoài ra, các dự án đầu tư theo hình thức PPP với thời gian hoàn vốn dài sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án khi theo tính toán, các dự án PPP đạt hiệu quả tốt nhất trong khoảng thời gian hoàn vốn từ 10-15 năm, Uỷ ban Kinh tế lưu ý.