Những năm qua, việc được dạy nghề và hỗ trợ sản xuất đã giúp cho hàng nghìn nông dân ở tỉnh Hải Dương có việc làm và nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay công tác này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi các cấp các ngành cần có giải pháp thiết thực để việc dạy nghề và hỗ trợ nông dân đạt hiệu quả hơn nữa.
Trong 5 năm (2011 – 2016), Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân phối hợp với các huyện, thị, thành hội tổ chức mở được 192 lớp dạy nghề về trồng cây lương thực, thực phẩm; trồng cây ăn quả; bảo vệ thực vật; nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm; may công nghiệp; thêu ren, móc xuất khẩu cho gần 6700 hội viên nông dân. Tổ chức được 1.284 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
Các hoạt động hỗ trợ nông dân cũng được đẩy mạnh, toàn tỉnh đã thành lập được 68 câu lạc bộ chăn nuôi, thủy sản và thường xuyên được Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tư vấn kỹ thuật và được cung ứng 3200 tấn thức ăn thủy sản để các hội viên chăn nuôi; cung ứng trên 25 nghìn tấn phân bón trả chậm cho nông dân...
Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân còn nhiều hoạt động hỗ trợ về việc làm, vay vốn sản xuất cũng đem lại hiệu quả nhất định. Tổ chức hội đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 8000 người vào làm việc trong các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức mở 45 lớp dạy tiếng Nhật, Hàn, Trung, Anh cho 782 người, trong đó đã giới thiệu được 552 người đi xuất khẩu lao động… hỗ trợ cho gần 1500 hộ nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất với tổng số tiền được vay 64,6 tỷ đồng, số tiền được hỗ trợ là 9,4 tỷ đồng.
Từ hoạt động dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã giúp cho hàng nghìn nông dân có nghề nghiệp, công việc, kiến thức, tiềm lực để sản xuất góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Mặc dù đạt được những hiệu quả nhất định về dạy nghề và hỗ trợ nông dân, nhưng bà Phạm Thị Thu Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cũng không khỏi trăn trở bởi những khó khăn, vướng mắc đang ảnh hưởng đến hoạt động này.
Theo bà Bình những khó khăn, vướng mắc đó là: Tổ chức bộ máy của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh còn ít, trong khi đó theo quy định mỗi nghề đăng ký đào tạo phải có ít nhất 1 giáo viên cơ hữu. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thấp; việc phân bổ kinh phí, ký hợp đồng dạy nghề còn chậm. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân gặp phải sự cạnh tranh của các đại lý, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp. Vì hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào các doanh nghiệp, giá bán sản phẩm thương xuyên thay đổi, nhiều khi giá còn cao hơn so với thị trường…
Trước tình hình đó, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cũng đề ra một số giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, hỗ trợ mô hình trình diễn cho lớp học nghề. Phối hợp với các doanh nghiệp thu mua nông sản tổ chức dạy nghề, tập huấn cho nông dân sản xuất vùng hàng hóa để thu mua tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp như: phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản, các chế phẩm sinh học bằng hình thức trả chậm.