Thời gian qua, không chỉ thị trường thép phải đau đầu cạnh tranh với hàng nhập giá rẻ mà hầu hết các lĩnh vực may mặc, da giày, thực phẩm, đồ gia dụng… đều tràn lan các loại hàng chất lượng kém, giá thấp. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế nhập khẩu bằng 0%, Việt Nam không sử dụng tốt các công cụ phòng vệ thương mại thì nguy cơ hàng hóa trong nước bị hàng nhập tràn vào đè bẹp là khó tránh.
Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài với thuế suất bằng 0%. Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập về trong nước cũng được hưởng mức thuế tương tự. Điều này đẩy thị trường trong nước đến mối lo hàng giá rẻ chất lượng thấp sẽ tràn thị trường. Theo giới chuyên gia, nếu không sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước thì nguy cơ hàng nhập giá rẻ sẽ lấn át thị trường nội địa.
Thờ ơ với công cụ bảo vệ
Bộ Công thương vừa quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép mạ (tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam từ 3,17%-38,34%.
Một loại hàng hóa nữa nhập từ Trung Quốc là sản phẩm thép hình chữ H cũng đã được Bộ Công thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung với mức thuế từ 21,18%-36,33%.
Đây là 2 trong số các vụ kiện của doanh nghiệp (DN) trong nước đã đạt được thành công và được cơ quan quản lý quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trước đó, Việt Nam cũng đã sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng sản xuất trong nước đối với một số mặt hàng như bột ngọt, dầu ăn… nhập khẩu từ các nước khác.
Việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước là một xu hướng tất yếu mà bất kỳ quốc gia nào khi bước vào sân chơi hội nhập cũng cần phải sử dụng và nắm rõ để ngăn không cho hàng ngoại nhập lấn át hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc áp dụng sử dụng công cụ này đối với các DN Việt Nam còn rất lơ mơ, và với các nhà quản lý cũng chưa thực sự chú tâm lắm.
Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), kể từ khi Việt Nam ban hành pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại đến nay, sau 10 năm, mới chỉ xử lý 6 vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại trong đó 3 vụ việc áp dụng tự vệ và 3 vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Tuy nhiên, so với con số 311 vụ tự vệ, 4.757 vụ chống bán phá giá và 380 vụ chống trợ cấp mà các nước trên thế giới sử dụng với Việt Nam, đây là một con số quá khiêm tốn. Đáng lưu ý, cho dù pháp luật đã được xây dựng hơn 10 năm nhưng các biện pháp này chỉ mới bắt đầu áp dụng thực sự trong khoảng 5 năm gần đây.
Không xây dựng hàng rào kỹ thuật, hàng sản xuất trong nước sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Rào chắn hàng nhập giá rẻ
Thời gian qua, không chỉ thị trường thép phải đau đầu cạnh tranh với hàng nhập giá rẻ mà hầu hết các lĩnh vực may mặc, da giày, thực phẩm, đồ gia dụng… đều tràn lan thị trường các loại hàng chất lượng kém giá thấp.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế nhập khẩu bằng 0%, Việt Nam không sử dụng tốt các công cụ phòng vệ thương mại thì nguy cơ hàng hóa trong nước bị hàng nhập tràn vào đè bẹp là khó tránh, đặc biệt là hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Điều này không những đẩy hàng hóa nội địa vào tình thế giảm sức cạnh tranh mà còn gây ra nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng khi mua phải các sản phẩm giá rẻ chất lượng kém, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...
Theo ông Nguyễn Phương Nam- Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), các biện pháp tự vệ là công cụ khẩn cấp nhằm loại bỏ trước mắt những thiệt hại do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Bởi vậy, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không những giúp bảo vệ DN trong nước mà còn góp phần giảm thiểu nguy cơ nhập hàng chất lượng kém tràn lan.
Đứng ở phía cộng đồng DN, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, trong bối cảnh hàng hóa ngoại nhập đang xâm lấn ngày một nhiều, Bộ Công thương nên sớm tham vấn với các Hiệp hội, ngành hàng thuộc mọi lĩnh vực để từ đó sớm đưa ra các giải pháp, rào cản kỹ thuật, rào cản chống bán phá giá để đáp trả lại những rào cản mà các nước trên thế giới “giăng” ra đối với các ngành hàng của Việt Nam.
“Điều này hoàn toàn phù hợp với các điều luật của WTO và tôi nghĩ nó là công cụ tốt nhất để bảo vệ các DN, ngành hàng trong nước trong bối cảnh cạnh tranh hàng hóa khốc liệt như hiện nay”- ông Giang nêu quan điểm.
Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các biện pháp phòng vệ thương mại được các nước xem là công cụ hiệu quả nhất nhằm giảm áp lực đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Đặc biệt, đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tạo cơ hội giúp cho các ngành sản xuất trong nước có thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với làn sóng hội nhập. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các DN cũng như các nhà quản lý cần sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại một cách linh hoạt hơn nữa.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các biện pháp phòng vệ thương mại được các nước xem là công cụ hiệu quả nhất nhằm giảm áp lực đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tạo cơ hội giúp cho các ngành sản xuất trong nước có thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với làn sóng hội nhập. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các DN cũng như các nhà quản lý cần sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại một cách linh hoạt hơn nữa. |