Trên thị trường có rất nhiều “sản phẩm song sinh” gần như y hệt nhau, khiến người tiêu dùng không phân biệt được thật giả. Đó là những loại hàng hóa “nhái”, bằng cách gian lận thương mại họ đã lợi dụng thương hiệu những nhãn hàng uy tín một cách… vô tư. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách và đủ lực để bảo vệ thương hiệu.
Lâu nay, doanh nghiệp vẫn lo ngại khi thương hiệu bị “đánh cắp”, trong đó có kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Thực tế thì rất ít doanh nghiệp thành công trong việc đòi lại thương hiệu. Và còn nhiều hơn là số doanh nghiệp không biết tự bảo vệ thương hiệu của mình.
Đã có nhiều cuộc hội thảo về xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, nhưng xem ra đây vẫn là vấn đề khó. Việc mạo danh thương hiệu, khủng hoảng truyền thông và các sự cố khác về thương hiệu vẫn xảy ra. Đáng chú ý, đại diện một số doanh nghiệp (DN) cho rằng xây dựng và bảo vệ thương hiệu luôn đi kèm với các rủi ro trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn rất phổ biến.
Theo ông Trần Giang Khuê (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - Văn phòng đại diện tại TP HCM), cho rằng việc sản xuất hàng giả, hàng nhái khá dễ dàng nhờ sự có công nghệ hiện đại. Khi trên thị trường xuất hiện sản phẩm, thương hiệu tên tuổi thì ngay sau đó sẽ xuất hiện hàng giả mạo ăn theo.
Thế nhưng, việc xử lý những hành vi vi phạm này khá khó khăn, có thể do DN chưa đăng ký bảo hộ sản phẩm, thương hiệu của mình. Vì thế khi xảy ra tình trạng giả mạo, cơ quan chức năng thiếu cơ sở để bảo vệ DN.
Nói như ông Khuê thì đó là “những sản phẩm song sinh” gần như y hệt nhau, thực sự khiến người tiêu dùng khó khăn khi lựa chọn sản phẩm chính hãng trên thị trường.
Đã từng có những vụ kiện đòi nhãn hiệu sản phẩm, liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra với các thương hiệu lớn, tốn kém hàng tỉ đồng của DN. Ví dụ những vụ đình đám như võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phan Thiết, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre…
Những vụ kiện tụng đòi thương hiệu như vậy vẫn được nhắc tới như một minh chứng điển hình tại các cuộc hội thảo lớn, nhỏ nhưng rốt lại cũng không làm tình hình thay đổi.
Nhiều người cho rằng, các thương hiệu thật - giả đấu nhau đã và đang diễn ra “như cơm bữa”. Điều đó khiến không ít DN lao đao, nhưng tự bản thân họ không thể “cứu” được mình trong khi không đủ tiền bạc, nhân lực, quyền lực để làm việc này.
Nhưng, chưa hết, chuyện phải “đấu tranh xuyên biên giới” để bảo vệ thương hiệu lại càng là việc khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề đáng lo ngại ở chỗ DN chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài không những đánh mất tên sản phẩm, mà nhiều khả năng tên thương hiệu gắn kèm chỉ dẫn địa lý quốc gia (tài sản nhà nước) bị rơi vào tay người khác. Từ đó, thật oái oăm là DN nội còn bị kiện ngược hoặc sản phẩm của họ bị ngăn chặn xuất khẩu.
Trong bối cảnh thế giới đang phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế thông minh, việc tuân thủ các cam kết về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của DN là việc làm rất cần thiết. Chính sự quan tâm không thỏa đáng đã gây ra những vấn đề lớn và DN Việt phải trả giá rất đắt.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Vinamit kể rằng, từ năm 2008 đã biết thương hiệu “Đức Thành” bị một công ty nước ngoài đăng ký sở hữu. Vì thế, Công ty của ông đã tố là vi phạm bản quyền khi đưa sản phẩm với thương hiệu này vào thị trường nước đó.
“Phải đăng ký thương hiệu thật kỹ, kể cả ở thị trường chỉ mới nhen nhóm ý định xuất khẩu”- ông Viên nói và cho biết những thương hiệu na ná, gần giống hay chỉ khác chữ đầu, chữ cuối so với thương hiệu của DN thì cũng đăng ký hết. Vì rằng tính ra chi phí đăng ký bản quyền thương hiệu rẻ hơn nhiều so với việc phải đi đòi lại.
Theo đại diện Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corp thì về thương hiệu có hai phần là hữu hình và vô hình. Nhãn hiệu là phần hữu hình, vấn đề bảo hộ nhà nước có thể bảo hộ hữu hình; còn giá trị vô hình tự DN phải bảo vệ. DN có thể đến cơ quan về sở hữu trí tuệ; nhưng bảo hộ thiết kế hình ảnh, công trình thì phải tìm đến cơ quan về bản quyền tác giả, để hạn chế những thiệt hại sau này.