Đánh giá về công tác thi hành án dân sự tại Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2016 sáng ngày 25/11, Bộ Tư pháp thừa nhận: Công tác THADS trong những vụ việc phức tạp, kéo dài, những vụ án lớn, án liên quan đến tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhiều địa phương không hoàn thành
Theo Báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), năm 2016, tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm ngoái, song các cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết xong số việc, tiền nhiều hơn về giá trị tuyệt đối, tăng hơn 30 nghìn việc và hơn 7 nghìn 800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao cả về việc và về tiền.
Cùng với đó, công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; giải quyết các vụ việc thi hành án liên quan đến tham nhũng, án tín dụng, ngân hàng được tập trung chỉ đạo hiệu quả.
Đến nay, đã giải quyết được 13 vụ việc, hiện còn 19 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đang được các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thi hành án, mặc dù kết quả thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu được giao về việc và về tiền, nhưng số việc và số tiền có điều kiện thi hành phải chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền.
Cụ thể, trong tổng số tiền phải thi hành là trên 133,6 nghìn tỷ, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 86,2 nghìn tỷ đồng thì mới thi hành xong trên 20 nghìn tỷ. Số tiền chuyển kỳ sau còn tới hơn 104 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là trên 57 nghìn tỷ đồng.
Một số địa phương số việc, tiền chuyển kỳ sau không giảm mà còn tăng rất cao như Hà Tĩnh, Sơn La... Kết quả thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng còn đạt thấp (17,35% về việc và 24,99% về tiền); một số địa phương có số tiền thi hành xong chiếm tỷ lệ thấp.
Đáng chú ý, vẫn còn một số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu thi hành án xong về việc (Tây Ninh, Sóc Trăng), về tiền (Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh).
Hoàn thiện về thể chế
THA những vụ án lớn đặc biệt là những vụ tham nhũng là một những vấn đề nổi cộm được các đại biểu điểm mặt đặt tên khá nhiều tại Hội nghị. Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết, nhờ có sự triển khai quyết liệt việc THA thu hồi tài sản cho Nhà nước đã có những chuyển biến.
Cụ thể, vụ Huỳnh Thị Huyền Như đã thi hành được trên 206 tỷ đồng; vụ Nguyễn Đức Kiên đã thi hành được trên 34 tỷ đồng, vụ Vinaline đã thi hành được trên 38 tỷ đồng (trên tổng số 358 tỷ đồng)…
Mặc dù vậy Phó Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi cũng thẳng thắn thừa nhận việc thu hồi tài sản cho Nhà nước đối với những vụ án lớn, liên quan đến tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn, nhưng nhiều tài sản bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án hoặc đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án.
Trong khi đó, công tác chỉ đạo, điều hành còn nhiều vấn đề tồn tại, có nơi lãnh đạo đơn vị buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không theo sát, không nắm chắc được diễn biến, tình hình thực tế, nể nang; việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch trong các lĩnh vực công tác có nơi còn chưa tốt, gây mất dân chủ, mất đoàn kết, phát sinh nhiều đơn thư tố cáo nội bộ.
Trước những tồn tại nói trên, Hội nghị xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là hoàn thiện thể chế hướng dẫn thi hành Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các quy chế, thể chế nội bộ trong hệ thống; nghiên cứu xây dựng Luật Thi hành án hành chính, các luật và nghị định có liên quan. Đồng thời, triển khai nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ THADS, hành chính được Quốc hội, Bộ Tư pháp giao.
Đối với những vụ án lớn, án tham nhũng để việc thu hồi tài sản cho Nhà nước thuận lợi, các đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân theo hướng minh bạch hóa, công khai hóa và mở rộng diện kê khai tài sản. Đồng thời nghiên cứu quy định về hạn chế dùng tiền mặt trong các giao dịch dân sự - kinh tế nhằm kiểm soát tốt hơn, hiệu quả hơn đối với tài sản, thu nhập của cá nhân, tổ chức góp phần thuận lợi hơn cho các cơ quan có thẩm quyền khi xác minh nguồn gốc của thu nhập, tài sản và khi áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản.