Khởi đầu hành trình mới

Vi Cầm 05/04/2017 08:05

Tại buổi lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chính thức công bố Chương trình Hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” giai đoạn 2017- 2022.

Một giá lễ hầu đồng.

Trong số các nội dung hành động, có việc tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống tốt đẹp gắn với di sản; Khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học; Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội…

Ông Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương có di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thực hiện tốt Chương trình Hành động Quốc gia này, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Nam Định và các địa phương có di sản xây dựng đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của Chương trình Hành động Quốc gia để di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 - 2022 có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Susan Vize lưu ý rằng việc UNESCO ghi danh một di sản vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại không phải là điểm kết thúc, mà chính là khởi đầu cho một hành trình mới.

Dù có thể sẽ gian nan nhưng đó phải là một hành trình bền vững. Nhấn mạnh mục tiêu cao nhất của việc bảo vệ di sản là tiếp sức cho cộng đồng, bà Susan Vize cũng cho rằng, bên cạnh những giá trị về tâm linh, di sản cần mang lại những lợi ích bền vững về kinh tế cho chính những người thực hành và nắm giữ.

UNESCO mong rằng Chính phủ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức và cá nhân tiếp tục đồng hành cùng các thành viên cộng đồng Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đề ra những biện pháp bảo vệ hữu hiệu, đồng thời không ngừng nâng cao nhận thức và giáo dục cho công chúng và các thế thệ tương lai về những giá trị của di sản, đặc biệt là lòng bác ái và khoan dung...

Những lưu ý của bà Susan Vize là điều đáng phải lưu tâm.

Trên thực tế câu chuyện “hậu” vinh danh di sản lâu nay cũng đã khiến nhiều nhà nghiên cứu cùng cộng đồng băn khoăn. Rằng có hay không sự biến tướng nghi lễ hầu đồng trong đời sống. Mở rộng hơn nữa là sự lạm dụng giá trị của nhiều di sản khác, không chỉ riêng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi.

Đó cũng là một thách thức đặt ra trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng.

Âu cũng là xuất phát từ những bất cập trong cơ chế quản lý văn hóa lâu nay. Với nghi lễ hầu đồng, nếu không ráo riết quản lý, e hậu quả sẽ là điều khó đoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi đầu hành trình mới