Kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, đã 3 tuần trôi qua, nhiều người hẳn vẫn chưa tin vào những điều khốc liệt xảy ra trước mắt mình; nhưng cũng chỉ bằng ấy thời gian chúng ta đã cảm nhận sự quan tâm, tình yêu thương vô bờ bến của Đảng, Chính phủ, của cộng đồng Việt ở nước ngoài nói chung và cộng đồng Việt ở châu Âu nói riêng với những người bà con chẳng may gặp khó khăn tại Ukraine.
Đi ra từ chiến sự
“Chiến sự nổ ra, gia đình tôi có 6 người, vợ chồng tôi, vợ chồng con gái cùng 2 cháu gái. Chúng tôi qua Moldova, rồi từ đó đi Romania”, người phụ nữ 52 tuổi có tên là Lưu Thị Hảo, quê gốc ở Hiệp Hòa, Bắc Giang sinh sống nhiều năm tại Odessa, kể. Bỏ của chạy lấy người những mong an toàn đến tính mạng, mỗi người trong gia đình chị Hảo chỉ có mấy bộ quần áo mang theo.
Chị Hảo tâm sự, thỉnh thoảng lại nghe tiếng pháo nổ ầm ầm, rất gần. Là người từng có quá khứ tuổi thơ ám ảnh về chiến tranh, nên chị biết sự khốc liệt của căng thẳng Nga - Ukraine có thể gây hại cho những đứa cháu nhỏ bé của mình; vì thế mà gia đình chị chọn cách rời Ukraine càng sớm càng tốt.
Với chị Đặng Huyền Lương, 10 ngày rong ruổi chạy lánh nạn của hai vợ chồng sẽ là 10 ngày không bao giờ quên được trong đời. Đưa theo 3 con nhỏ một 15 tuổi, một 11 tuổi và một 2 tuổi; trong khi cháu bé nhất ốm lên ốm xuống nhưng rời Odessa cũng là con đường mà gia đình chị lựa chọn.
Một người phụ nữ khác tên là Lê Thị Hà (Thanh Hóa) sinh sống ở Kharkov, Ukraine kể: “Nhà tôi ở chung cư tầng 8 bị bắn thủng tường, khu chợ thì bị cháy rụi, coi như trắng tay. Chồng và các con tôi may mắn thoát được xuống tầng 1 - nhà của bà bạn tôi, rồi trú ẩn trong hầm metro nhiều ngày nên thoát nạn”.
Lại nói chuyện những gia đình Việt sơ tán khỏi Ukraine, gia đình ít nhất đã có 5, 10, 15 năm thậm chí 35 năm sinh sống, làm ăn ở Ukraine - điều đó cũng có nghĩa họ đã có cuộc sống ổn định nơi quê hương thứ hai. Đa phần trong số họ đã có nhà, tậu xe, có cửa hàng hoặc kios buôn bán ổn định trong khu chợ Việt tại Odessa, Kharkov hay Kiev; nhưng giờ đây, không ai dám chắc mình có thể giữ lại được chút gì cho cuộc sống về sau.
Chị Hảo, chị Lương hay chị Hà đều có chung một nỗi buồn: Tiền đã đổ vào hàng hóa hết rồi; kios đã bị đạn pháo làm cho hư hỏng nặng rồi chiến sự nổ ra còn ai tâm trí đâu mà buôn bán, chỉ mong giữ được an toàn tính mạng rồi mới tính tiếp. Vì thế, gia đình các chị chọn phương án trở về quê hương để tìm lại sự bình an, tĩnh tâm.
Câu chuyện của những người phụ nữ mà chúng tôi được gặp, được nghe kể về cuộc sơ tán của họ và gia đình họ, mỗi người một số phận nhưng có lẽ họ đều là những người phụ nữ có thể có một cuộc sống sung túc nếu trong hoàn cảnh bình thường. Thế nhưng, năm nay họ tứ tán khắp nơi; nếu may mắn lắm thì dăm ba gia đình thân thiết có thể nhóm vào để cùng nhau đi lánh nạn và được ở bên nhau, thế có lẽ đã là may mắn, hạnh phúc lắm rồi.
Họ, những người phụ nữ thoát ra khỏi chiến sự vẫn chỉ một lòng nghĩ đến an nguy của chồng, con, cháu mà chẳng ai nhớ tới việc năm nay họ không có một ngày được tôn vinh - nhưng đó có lẽ cũng là hạnh phúc mà họ mong ước.
Ngày đặc biệt nhất trong cuộc đời
Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người Việt Nam tại Ba Lan Cao Hồng Vinh chia sẻ như vậy với PV Báo Đại Đoàn Kết. Có lẽ không chỉ có chị Vinh, nhiều chị em khác đang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, Romania hay Hungary cũng như nhiều chị em phụ nữ trong cộng đồng Việt ở các quốc gia ấy đều có chung nhận định này.
Năm 2022 với chị Cao Hồng Vinh và nhiều chị em khác sinh sống tại Ba Lan lâu năm, đây là năm đầu tiên họ đón một 8/3 đặc biệt trong chùa Nhân Hòa. Một buổi lễ do thầy trụ trì tổ chức. Thầy trụ trì hát tặng chị em phụ nữ; nhiều anh em đọc thơ, sau đó các phật tử cùng toàn thể bà con cùng nhau hát mừng. Năm nay, họ còn được đón nhiều chị em từ Ukraine sang đang lưu lại tạm thời. Vì thế, buổi lễ dù rất giản dị nhưng lại sưởi ấm những tấm lòng người Việt xa xứ, gắn kết họ bên nhau như trong một gia đình lớn, nơi cửa Phật.
Chị Cao Hồng Vinh kể, từ khi bà con mình từ Ukraine sơ tán sang chị được giao phụ trách phần y tế, lo thuốc men, thăm khám cho bà con. Từ khi người Việt đầu tiên tại Ukraine sang Ba Lan đến nay, nhóm y tế cũng như nhóm hỗ trợ hậu cần trong đó có nhiều chị em trong hội người Việt tại Warcsaz ngày nào cũng và chùa Nhân Hòa, chùa Thiên Phúc các địa điểm khác nơi bà con tạm trú để lo cho bữa ăn, giấc ngủ và thăm khám.
Riêng nhóm y tế của chị Vinh, đến nay đã hỗ trợ mời bác sĩ khám, kê đơn, phát thuốc cho khoảng 50 người Việt trẻ em có, người già, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai đều có. Tiền khám chữa bệnh và tiền thuốc của bà con đều được miễn phí.
Chị Vinh cho biết, đó là nhờ đóng góp của cộng đồng Việt tại Ba Lan cũng như sự đóng góp của nhiều hội đoàn tại Việt Nam và các nước khác đóng góp vào Quỹ hỗ trợ bà con người Việt từ Ukraine sang lánh nạn.
Tháng 3 năm nay các phu nhân, nữ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Romania lại có những ngày bận rộn khi phải tập trung cho việc quan trọng hơn, nào lên danh sách, cập nhật danh sách bà con đăng ký về nước; cùng nhau hoàn tất các thủ tục lãnh sự để bà con có thể có giấy tờ cần thiết lên chuyến bay trở về Việt Nam đúng vào ngày 8/3. Với họ, thế là đã đóng góp một chút sức lực nhỏ bé cho công việc chung.
“Trước hết Bích Thảo rất xúc động, trong những ngày qua các chị trong Hội đã sát cánh cùng Hiệp hội và Đại sứ quán chăm lo, giúp đỡ bà con ta từ Ukraine sang lánh nạn, không kể ngày, đêm, giờ giấc. Chị Thiện, chị Minh, chị Mỹ, chị Nhung, chị Xoa đồng hành với chị Nụ và nhiều chị nữa… đã lo từ chăn, nệm, bữa ăn, thức uống, tủ lạnh, lò sưởi, bỉm sữa… Thảo hiểu rằng để có được những sự nỗ lực và kết quả đó (từ vật chất cho đến công, sức…) phải có sự đồng hành của gia đình, người thân và bạn bè… Qua đây cho Thảo gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các chị cùng gia đình và người thân nữa ạ”, đó là trích đoạn bức thư của Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo gửi chị em Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary - một bức thư như lời tâm sự cùng những người phụ nữ đang làm hết sức mình từ những điều nhỏ nhặt nhất cho đồng bào mình chẳng may gặp khó khăn tại Ukraine.
Không có những bài diễn văn, chỉ có những lời chân tình đi từ trái tim đến trái tim, giúp cộng đồng Việt xa xứ hiểu nhau và cũng hiểu hơn những quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với bà con. Những đêm không ngủ, những ngày bận rộn chạy đôn đáo khắp nơi chỉ với mong muốn, bà con mình được ăn những bữa no; có thêm cái áo ấm trong những ngày tuyết rơi của trời Âu; được chữa bệnh kịp thời để có đủ sức khỏe lên các chuyến bay giải cứu nhân đạo của Chính phủ về với Tổ quốc hay đơn giản là lên những chuyến xe nghĩa tình đến với người thân tại một quốc gia nào đó ở châu Âu.
Những người Việt xa xứ nói chung, những phụ nữ Việt xa xứ nói riêng, dù đang công tác tại các cơ quan đại diện Việt Nam tại Đông - Trung Âu hay đang sinh sống, học tập tại xứ người tất cả đều chung một ước muốn: Làm tất cả kể cả những điều nhỏ bé nhất miễn sao để bà con người Việt sơ tán từ Ukraine thoải mái, yên tâm và vững tin bước tiếp trên con đường phía trước.