Nhiều năm trở lại đây, vấn đề phát triển của Thủ đô Hà Nội được đánh giá là chưa xứng tầm dù thành phố có rất nhiều lợi thế. Ở góc nhìn của mình, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, giáo dục) cho rằng: Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô thì Hà Nội phải mở rộng và nâng cao tầm nhìn để khai thác những thế mạnh riêng có.
Hà Nội phải trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa
PV: Thưa ông, dù Hà Nội đã có những cơ chế đặc thù, có Luật Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Thế nhưng nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ, năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới. Cá nhân ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC: Thủ đô Hà Nội là trung tâm “đầu não” về chính trị, kinh tế nhưng tôi cho rằng Hà Nội phải là trung tâm “đầu não” về văn hóa. Là trung tâm về văn hóa vì Hà Nội là Thủ đô. Thăng Long - Hà Nội là ngàn năm văn hiến. Nơi hội tụ và tỏa sáng, từ nhân tài, khí thiêng sông núi. Cho nên dứt khoát phải trở thành trung tâm văn hóa mẫu mực cho cả nước. Cả nước cũng sẵn sàng vì Hà Nội. Vì thế tiềm năng là vô cùng lớn nhưng lại chưa khai thác được những lợi thế, “ưu ái” mà cả nước dành cho Hà Nội.
Thế nhưng không chỉ trông chờ vào người lãnh đạo mà ngay bản thân mỗi người dân Thủ đô, cán bộ Thủ đô phải có tinh thần trách nhiệm, yêu quý Thủ đô, trái tim vì Thủ đô. Là vinh dự của mỗi người dân, mỗi cán bộ được sống trong lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trách nhiệm nặng nề nhưng là vinh quang của mỗi cán bộ cơ sở từ cấp phường, xã cho đến cấp thành phố phải thấy được vinh dự là công dân Thủ đô. Vì thế cán bộ của Thủ đô thì phải mang hết sức mình ra để xây dựng Thủ đô. Có như vậy thì Thủ đô mới vươn lên phát triển tốt được.
Để quản lý Thủ đô văn minh hiện đại, xây dựng một Thủ đô văn minh hiện đại thì mỗi con người phải tự rèn luyện, phấn đấu mình để trước tiên mình văn minh hiện đại, có tư tưởng văn minh, có tư duy sáng tạo, văn minh hiện đại thì mới có thể làm được. Chứ tư duy vẫn cổ hủ, vẫn nhỏ nhoi, ích kỷ, lợi ích cá nhân thì làm sao xây dựng được Thủ đô văn minh hiện đại. Không có cách nào khác, phải đoàn kết toàn dân, vì lợi ích cho tất cả mọi người, lợi ích của cộng đồng. Nếu lợi ích một nhóm người sẽ dẫn đến sự bất công, chắp vá. Lợi ích của cộng đồng phải được đặt lên trên hết, làm bất kỳ việc gì cũng phải xem xét lợi ích của cộng đồng trong đó.
Tiềm năng của Hà Nội là rất lớn. Kinh tế đều đầu tư cho Thủ đô, và có luật riêng về Thủ đô đó là Luật Thủ đô. Có luật riêng và Quốc hội đã dành những phần đặc biệt, ưu ái cho Hà Nội. Nhưng ưu ái không phải là cho không, vấn đề là ưu ái về mặt pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng Thủ đô thật đẹp, thật văn minh, thật xứng tầm. Rõ ràng khai thác lợi thế của Thủ đô Hà Nội là vấn đề cần thiết nhưng rất tiếc vẫn còn “lấn cấn” nhiều việc, ngay cả những việc nhỏ của từng phường, xã nên phát triển của Thủ đô được đánh giá là chưa xứng tầm dù đã có những cơ chế đặc thù, ưu ái.
Cơ chế thì đã có nhưng phát triển của Thủ đô lại chưa tương xứng. Hiện nay theo ông những rào cản lớn nhất mà hiện nay Hà Nội đang phải đối mặt là gì?
- Hiện nay hạ tầng kinh tế, xã hội của Hà Nội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế. Khó khăn của Thủ đô là đã quy hoạch nhiều lần nhưng thực hiện không nghiêm. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ rõ, nhân dân cũng đã đề xuất làm sao trong nội thành có chiến lược để không làm cho nội thành chật chội, bí bách thêm. Vì như vậy không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn ảnh hưởng đến văn hóa, an sinh xã hội. Thế nhưng các nhà cao tầng vẫn “mọc” ầm ầm. Điều đó cho thấy sự chỉ đạo từ trên xuống dưới nhưng thực hiện vẫn chưa được thống nhất. Phải cương quyết không thể để nội thành ngày càng chật cứng thêm nữa. Tôi nói ví dụ, Đảng, Nhà nước đã có chính sách tạo môi trường tốt, tạo điều kiện cho nhiều đơn vị di dời ra khỏi nội thành bằng việc bố trí đất, cấp kinh phí, nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng trụ sở mới nhưng dù có trụ sở mới nhiều đơn vị vẫn chẳng chịu di dời. Như vậy thì làm sao mà thông thoáng được.
Cụ thể, quy hoạch đã có. Có ý tưởng, tư tưởng, và đường lối của Đảng, Nhà nước là rất đúng đắn nhưng tư tưởng và đường lối đúng đắn đó trong quá trình triển khai chưa hiệu quả, chưa nghiêm túc. Do vậy dẫn đến khó khăn vẫn tồn tại, tiếp diễn và kéo dài.
Thủ đô rộng bậc nhất nhưng tầm nhìn có rộng?
Việc thực thi chính sách chưa nghiêm không chỉ mỗi Hà Nội mà còn có “lỗi” của các cơ quan Trung ương, thưa ông?
- Thực tế Hà Nội có cái khó, có cái dễ. Đó chỉ là đơn vị địa phương nhưng nhiều cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Từ cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, khu công nghệ cao. Chúng ta thấy không chỉ vấn đề di dời trụ sở của các cơ quan mà Khu công nghệ cao Hòa Lạc hàng chục năm nay vẫn chưa thực hiện xong. Do đó các cơ quan Trung ương cũng phải gương mẫu thực hiện quy hoạch mà Nhà nước phê duyệt cho Hà Nội. Hà Nội tích cực bằng mọi cách tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan Trung ương, cũng như Hà Nội phải thực hiện nghiêm vấn đề quy hoạch. Như thế thành phố mới phát triển mở tầm.
Nhiều ý kiến cho rằng, Thủ đô của ta hiện là một trong những Thủ đô rộng bậc nhất thế giới, nhưng tầm nhìn của chúng ta như thế nào để hoạch định tương lai của thành phố thì đó mới là cái quan trọng, nói như vậy có đúng không, thưa ông?
- Chúng ta nhớ rằng, Quốc hội đã bỏ phiếu mở rộng địa giới hành chính Hà Nội khi sáp nhập Hà Tây cũ để trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Do đó chúng ta phải mở rộng cách thức tầm nhìn chứ không chỉ mở rộng mỗi vị trí địa lý. Phải mở rộng cả tầm nhìn. Nếu mở rộng địa giới hành chính đơn thuần chỉ là địa giới hành chính thôi thì không xứng tầm Thủ đô. Mở rộng địa giới hành chính phải đi cùng với tầm nhìn mở rộng. Như thế mới có thể xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Đó là mong muốn của cử tri, của mỗi người dân Thủ đô.
Tôi tin các lãnh đạo Hà Nội chắc chắn cũng phải suy nghĩ trong nhiệm kỳ này, khi đất nước đang đặt ra những hành trình, một khát vọng đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Như vậy Thủ đô phải đi đầu, là “đầu tàu” mà không đi trước thì đuôi tàu đi làm sao? Yêu cầu và vị trí của Thủ đô rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề. Từng năm, từng tháng trôi qua mà Thủ đô những năm gần đây vẫn “dẫm chân tại chỗ” dù lượng đầu tư vào Thủ đô ngày càng lớn. Động vào cái gì cũng vướng cả, nhiều dự án chậm tiến độ. Đã đặt ra những chương trình, kế hoạch là phải thực hiện cho đúng thời hạn, quy hoạch phải thực hiện cho nghiêm, cái gì cũng chậm vậy làm sao không tụt hậu?
Luật trong lòng người
Sắp tới sẽ sửa Luật Thủ đô. Theo ông cần bổ sung cơ chế gì để Hà Nội xứng tầm?
- Bây giờ chuẩn bị sửa Luật Thủ đô nhưng tôi cho rằng, luật thì luật, sửa gì thì sửa nhưng luật trong lòng người, trong trái tim mỗi người lớn lắm. Luật có thể còn thiếu nhưng dù có làm đến mấy thì cũng không thể đủ được. Không ở đâu trên thế giới nói rằng luật đầy đủ ở tất cả mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Không một quốc gia nào luật có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu. Vì đời sống xã hội luôn luôn thay đổi, càng hiện đại bao nhiêu thì nhu cầu xã hội, yêu cầu của sự phát triển càng có nhiều lĩnh vực mà không thể nào luật có thể bao quát hết được. Nhưng lòng người, trái tim con người, tình cảm cũng như ý chí của con người bao quát đó là sự sinh tồn, sự phát triển.
Hội nghị toàn quốc về vấn đề Văn hóa đã nói đến phát triển văn hóa vì con người. Phát triển con người để phát triển văn hóa y tế, chính trị, xã hội, làm cho đời sống xã hội ngày càng cao về vật chất cũng như tinh thần. Về sửa đổi Luật Thủ đô chắc chắn trong thời gian tới Quốc hội sẽ nghiên cứu, sửa đổi, tạo điều kiện tốt nhất cho Thủ đô. Thế nhưng Thủ đô cũng phải chủ động nắm bắt được điều đó, khai thác được sự “ưu ái” đó. Bởi tạo điều kiện tốt bao nhiêu cũng dựa phải trên cơ sở luật pháp, công bằng giữa các địa phương chứ không phải Thủ đô được ưu ái trái luật. Sửa thế nào cũng không thể sửa theo hướng ưu ái một cách không hợp lý. Cá nhân tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là con người. Từ lãnh đạo Đảng cho đến chính quyền các cấp của Hà Nội phải làm với tinh thần người của Thủ đô, tinh thần trái tim ý chí người của Thăng Long ngàn năm văn hiến, có một lịch sử rất đáng tự hào chứ đừng làm việc gì không xứng đáng với nền tảng chính trị, văn hóa lâu đời của một kinh đô. Vua Lý Thái Tổ đã từng nói đây là “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.
Tôi cho rằng, lãnh đạo của các đơn vị cơ sở cho đến cấp thành phố phải xứng tầm, nói thẳng, nhìn thẳng vào tất cả những yêu cầu của đời sống xã hội. Đó là yêu cầu của tất cả bà con đồng bào cả nước, yêu cầu của nhân dân Thủ đô. Cán bộ phải luôn đặt câu hỏi tự mình đã xứng đáng là cán bộ của Thủ đô Hà Nội hay chưa? Phải cảm thấy vinh dự là cán bộ Thủ đô cho nên cần phấn đấu, đặt cho mình những yêu cầu cao hơn. Như vậy mới đáp ứng xây dựng Thủ đô văn minh và hiện đại.
Thưa ông, nói đến văn minh và hiện đại nhưng người Hà Nội lại nhớ đến “đặc sản” của Thủ đô là tắc đường và ngập lụt sau mỗi cơn mưa lớn?
- Đây là điều đáng buồn. Đó là do công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Quy hoạch của ta chắp vá nhiều năm nay. Từ chỗ thiếu thốn đến bây giờ cũng đầy đủ hơn, nhưng ta chưa có quy hoạch đến nơi đến chốn. Ngay quy hoạch ngầm, không gian ngầm cũng đang làm rất tùy tiện. Ông nào muốn đào bao nhiêu thì đào, sâu bao nhiêu thì sâu? Chúng ra phải quản lý quy hoạch cả không gian ngầm, quy hoạch trên mặt đất, dưới mặt đất, và kể cả không gian trên cao. Những bất cập hiện tại là do tầm quy hoạch chưa đạt. Đặc biệt, không vì lợi ích nhỏ của cá nhân nào so với lợi ích của “kinh sư mãi muôn đời”. Hãy nghĩ lợi ích của dân tộc, đất nước, của Thủ đô ngàn năm văn hiến để không vì bất kỳ lợi ích nào khác. Hãy vì Thủ đô phát triển văn minh và hiện đại. Phải có chương trình kế hoạch căn cơ chứ không thể “ông này đắp xuống, ông kia lại đào lên”. Chỗ này quản lý chặt vỉa hè, chỗ kia thì phải cưỡng chế. Làm sao để không phải cưỡng chế, và người dân phải thực hiện được nghiêm. Cán bộ quy hoạch cũng phải thực hiện nghiêm quy hoạch. Nếu không thì “cứ phạt cho tồn tại”. Pháp luật của Nhà nước mà không nghiêm thì không được. Đã nói thì phải làm cho nghiêm. Chính vì không nghiêm nên “anh nọ mới theo anh kia”. Như vậy là hỏng!
Để quản lý Thủ đô văn minh hiện đại, xây dựng một Thủ đô văn minh hiện đại thì mỗi con người phải tự rèn luyện, phấn đấu để trước tiên mình văn minh hiện đại, có tư tưởng văn minh, có tư duy sáng tạo, thì mới có thể làm được. Chứ tư duy vẫn cổ hủ, vẫn nhỏ nhoi, ích kỷ, lợi ích cá nhân thì làm sao xây dựng được Thủ đô văn minh hiện đại. Không có cách nào khác, phải đoàn kết toàn dân, vì lợi ích cho tất cả mọi người, lợi ích của cộng đồng. Nếu lợi ích một nhóm người sẽ dẫn đến sự bất công, chắp vá. Lợi ích của cộng đồng phải được đặt lên trên hết, làm bất kỳ việc gì cũng phải xem xét lợi ích của cộng đồng trong đó.
Việc lớn không thể nào “chui” vào trong lòng tư tưởng hẹp hòi
Từ kinh đô ánh sáng Paris của Pháp, London cổ kính của Anh, đến New York phồn thịnh của Mỹ hay thủ đô Seoul sôi động của Hàn Quốc, những thành phố ven sông hàng đầu thế giới đều cho thấy bài học kinh nghiệm về công tác quy hoạch không gian 2 bên bờ sông, đảm bảo sự thuận tiện về thủy lợi, nét hài hòa trong kiến trúc, cũng như lợi ích chung của toàn xã hội. Việc hiện thực hóa “thành phố hai bên bờ sông Hồng” đã đặt ra từ lâu nhưng tại sao đến nay chúng ta vẫn chậm và lúng túng, thưa ông?
- Đáng lý chúng ta phải quy hoạch ven sông Hồng từ lâu rồi. Trong Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010) đã có ước mơ phải biến con sông Hồng thành con sông hiền hoà giữa lòng Hà Nội, biến bãi giữa sông Hồng thành “viên ngọc của Thủ đô”. Hiền hòa ở đây phải hiểu theo nghĩa cả kinh tế, văn hóa, lịch sử. Muốn vậy phải ứng xử một cách đúng mức. Nếu những tư duy hạn hẹp thì làm sao con sông có thể trở nên hiền hòa được? Ước mơ lớn như thế, việc lớn như thế không thể nào mà “chui” vào trong lòng, tư tưởng hẹp hòi, nhỏ bé. Nếu lợi ích nhỏ nhoi của một nhóm người, tư duy hạn hẹp thì làm sao đủ sức chứa khát vọng như thế. Phải làm cho con sông Hồng trở thành con sông hiền hoà giữa lòng Hà Nội. Đến một lúc nào đó chúng ta sẽ được tham gia tour du lịch trên sông, mấy chục cây số với hai bên bờ sông sáng rực lung linh ánh điện. Nếu còn tư duy chiếm được khoanh đất, lợi ích của nhóm cá nhân nào đấy thì thử hỏi làm sao có thể hiện thực hóa được ước mơ lớn đó. Điều đó đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương cho đến địa phương phải cùng đồng lòng.
Quá khứ gắn liền với hiện tại, thậm chí quá khứ phải là nền tảng cho phát triển tương lai thì mới được. Không ai “gặm nhấm” quá khứ để sống, nhưng phải làm cho quá khứ sống động là trách nhiệm của chúng ta.
Tôi rất tiếc chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến đã trôi đi mà để lại rất ít những dấu ấn của nghìn năm. Có chăng là công trình Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Vậy đến giờ công viên văn hóa 1.000 năm đâu? Đó không chỉ là chuyện công viên mà là chuyện của lòng người. Biến sông Hồng thành con sông hiền hòa giữa lòng Hà Nội, bãi giữa sông Hồng thành “viên ngọc” của Thủ đô đòi hỏi trí tuệ cao, tình cảm sâu đậm. Mỗi con người phải mở lòng mình thành khối đoàn kết nhất trí từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài mới có thể xây dựng được Thủ đô phát triển xứng tầm.
Từ giờ đến năm 2045 là thời gian không dài, đòi hỏi Thủ đô phải có những phát triển đột phá về mọi phương diện thì mới đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Mở rộng địa giới hành chính phải đi cùng với mở rộng và nâng cao tầm nhìn. Mọi việc đều do con người quyết định. Không mở rộng đúng tầm thì mở rộng địa giới hành chính chỉ là lợi ích nhỏ nhoi, thậm chí làm khó cho đời sau nếu quản lý không tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa mới được ban hành trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.