Bộ Luật Tố tụng dân sự (TTDS) có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định, Công đoàn có quyền khởi kiện và tham gia tố tụng những vụ án lao động. Tuy nhiên, việc triển khai không dễ nhất là với công đoàn cấp cơ sở.
BHXH Việt Nam sát cánh cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam bảo vệ quyền lợi người lao động.
Không ít khó khăn
Cụ thể, Bộ Luật TTDS năm 2015 quy định: Công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp được quyền khởi kiện các vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể NLĐ; có quyền khởi kiện vụ án lao động khi được NLĐ ủy quyền. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng có quyền khởi kiện vụ án lao động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tập thể NLĐ, được NLĐ ủy quyền trong trường hợp Công đoàn cơ sở không khởi kiện.
Ngoài ra, Công đoàn cấp trên cơ sở cũng có quyền ủy quyền cho LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi kiện vụ án tranh chấp quyền công đoàn về kinh phí công đoàn, BHXH.
Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên gia, việc triển khai đưa quy định trên vào đời sống không dễ, nhất là khi những nội dung có liên quan đến tố tụng lao động (khoảng 100 điều khoản) nằm rải rác trong các chương.
Đơn cử như theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi), trọng trách khởi kiện đối với hành vi nợ đọng, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ sẽ do tổ chức công đoàn đảm nhận. Mặc dù quy định này đến 1/7 tới đây mới chính thức có hiệu lực, song có rất nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, trong bối cảnh hoạt động của hệ thống công đoàn cơ sở còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu quả chưa cao; nguồn cán bộ công đoàn nắm chắc về pháp luật, nhất là pháp luật lao động, pháp luật tố tụng liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ còn hạn chế… thì việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng khởi kiện DN nợ BHXH của tổ chức này khó có thể có những chuyển biến trong một sớm, một chiều.
Đánh giá về dự thảo trên, Luật gia Đặng Quang Thắng- Hội luật gia TP Hà Nội cho rằng, việc xây dựng hướng dẫn quy trình khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể rất cần thiết. Là cơ sở giúp cán bộ công đoàn cũng như cá nhân biết được quy trình, thủ tục để từ đó tiến hành các thủ tục pháp lý bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho NLĐ.
Kiên quyết xử lý DN nợ đọng BHXH
Đứng trước thực trạng trên, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT và BHTN (gọi chung là BHXH) để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp.
Theo đó, thời gian tới, Tổng LĐLĐVN và BHXH Việt Nam thống nhất tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực trao đổi, cung cấp thông tin. Cụ thể, ngành BHXH các cấp sẽ cung cấp cho tổ chức công đoàn: Danh sách của các đơn vị nợ tiền BHXH cần phải khởi kiện (gồm số tiền phải đóng, số tiền nợ, thời gian nợ, tiền lãi chậm đóng BHXH); hồ sơ xác định nợ theo quy định tại Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của BHXH Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT; bản cập nhật đến tháng trước thời điểm nộp đơn khởi kiện ra tòa án về tình hình nợ và tình trạng áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với các đơn vị sử dụng lao động mà tổ chức công đoàn đã gửi danh sách thông báo cho cơ quan BHXH trước khi khởi kiện…
Ngược lại, tổ chức công đoàn sẽ cung cấp cho BHXH: Danh sách đơn vị sử dụng lao động chuẩn bị bị khởi kiện để cơ quan BHXH kiểm tra, đối chiếu, cập nhật tình hình nợ và việc áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với đơn vị sử dụng lao động.