Khởi nghiệp cho sinh viên: Cần có giáo trình chuẩn

Dung Hòa 01/11/2023 07:00

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay đã có gần 50% cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đưa môn học Khởi nghiệp vào giảng dạy.

Sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh minh họa.

Khởi nghiệp: Môn học bắt buộc

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai đề án "Hỗ trợ học sinh sinh viên (HSSV) khởi nghiệp đến năm 2025" (Đề án 1665 vừa được tổ chức, Bộ GDĐT cho hay, đến nay tỉ lệ cơ sở GDĐH đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022). 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho SV. Khởi nghiệp cũng góp phần đổi mới căn bản phương pháp dạy và học trong các trường ĐH và cao đẳng, đưa môi trường đào tạo trở thành nơi sáng tạo tri thức mới.

Hiện Bộ GDĐT đã hỗ trợ 10 địa phương tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ hỗ trợ 23 cơ sở GDĐH thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; Ký kết với 8 doanh nghiệp đồng hành cùng Bộ trong việc huy động nguồn lực triển khai Đề án 1665 giai đoạn 2 (năm 2022-2025). Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, hàng năm Bộ GDĐT còn tổ chức các Ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho HSSV, tạo sự kết nối giữa 3 chủ thể: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV. Ngày hội đã trở thành một hoạt động thường niên, thu hút hơn 20.000 người tham dự, tổ chức được 40 hội thảo, diễn đàn truyền cảm hứng, hơn 200 đơn vị, trường học tham gia và 50 doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư đồng hành.

Thiếu giáo trình giảng dạy

Trên thực tế, có không ít chủ doanh nghiệp khởi nghiệp từ khi còn là SV và đã gặt hái được nhiều thành công. Các giải thưởng Khởi nghiệp quốc gia HSSV hàng năm cũng đã có hàng chục giải thưởng được trao cho các tập thể, cá nhân. Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ GDĐT trao hơn 80 giải thưởng cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ V (SV.STARTUP5). Đánh giá từ Ban Giám khảo cho thấy chất lượng các dự án dự thi của HSSV ngày càng được nâng cao, đầu tư bài bản hơn. Đặc biệt, dự án của HSSV đã đi sâu vào hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương, lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng hệ thống kinh tế tuần hoàn, tái tạo. Điểu đó cho thấy, HSSV ngày càng hướng khởi nghiệp, sáng tạo của mình tới những vấn đề xã hội cần.

Dẫu vậy, có một thực tế là nhiều trường ĐH đưa Khởi nghiệp thành môn học, nhưng đang chưa có bộ giáo trình thống nhất. Tại Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia được tổ chức vào tháng 8/2023, TS Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia chỉ ra bất cập trong việc dạy SV kiến thức khởi nghiệp. Theo ông Khanh, sau khi triển khai Đề án 1665 của Chính phủ về hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, số trường ĐH đưa khởi nghiệp thành môn học tăng nhanh. Tuy nhiên, chương trình, nội dung và thời gian đào tạo vẫn do các trường "tự biên tự diễn", bởi chưa có một bộ giáo trình hay quy chuẩn thống nhất về nội dung này. Không ít thầy cô bê nguyên giáo trình khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, cắt đi một chút rồi dạy. Theo TS Trần Duy Khanh, Bộ GDĐT cần có trách nhiệm về việc này.

TS Lưu Hữu Đức - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Hỗ trợ khởi nghiệp, Học viện Tài chính cũng đồng tình với quan điểm trên. Là người trực tiếp hỗ trợ, làm cùng SV, ông Đức cho rằng không có giáo trình môn Khởi nghiệp là vướng mắc lớn. Một khi không có bộ khung thống nhất về chương trình dạy, các trường rất khó chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao tri thức và hỗ trợ nhau trong hoạt động khởi nghiệp. Ông Đức chia sẻ thêm: Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất việc cần có giáo trình khởi nghiệp và thực sự mong có một bộ tài liệu chuẩn để dạy cho sinh viên.

Các chuyên gia đều có chung đánh giá, nếu không được cung cấp kiến thức bài bản, SV khó khởi nghiệp thành công.

TS Trần Duy Khanh kiến nghị Bộ GDĐT thiết kế, xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, thiết thực, giúp SV nhận thức rõ hơn về hoạt động khởi nghiệp. Ông Khanh gợi ý giáo trình khởi nghiệp có thể gồm hai phần, trong đó một phần "cứng", cung cấp kiến thức nền, dùng chung cho tất cả trường ĐH, CĐ; phần còn lại có thể do các trường phát triển thêm để phù hợp với lĩnh vực đào tạo của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi nghiệp cho sinh viên: Cần có giáo trình chuẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO