“Nhiệt huyết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là thể hiện lòng yêu nước, làm cho quốc phú, dân cường. Đã đến lúc phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam. Một giấc mơ quốc gia vĩ đại sẽ làm nên các doanh nghiệp vĩ đại, những con người vĩ đại”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018. Thủ tướng đã truyền lửa và hun đúc một tinh thần “khởi nghiệp không sợ hãi”cho thế hệ trẻ.
Năm 1776, trong khi phần lớn người dân Mỹ cho rằng “Tuyên ngôn Độc lập Mỹ” là tác phẩm quan trọng nhất được xuất bản thì thế giới lại cho rằng cuốn: “Sự giàu có của các quốc gia” của Adam Smith mới có sức ảnh hưởng hơn đối với toàn cầu. Ý tưởng cốt lõi trong lý thuyết của Smith là con người khao khát có thiên hướng theo đuổi lợi ích cá nhân và chính điều này dẫn đến sự giàu có của xã hội. Khi mỗi cá nhân được tự do sản xuất và trao đổi hàng hóa theo nhu cầu và tất cả các thị trường được mở cửa để cạnh tranh thì tính tư lợi của con người sẽ khiến cả đất nước giàu có.
Tác nhân thúc đẩy của thị trường tự do này được biết đến với tên gọi “bàn tay vô hình” (invisible hand), nhưng nó vẫn cần sự hỗ trợ để tạo nên sức mạnh. Để đúc kết lý thuyết của mình, Smith khẳng định một quốc gia cần có đủ ba yếu tố để hợp thành nên sự thịnh vượng chung cho xã hội đó là: Lợi ích cận biên, lợi thế cạnh tranh, tinh thần doanh nhân. Và Smith tin rằng các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn sẽ hạn chế hành vi lợi dụng khách hàng.
Một tầm nhìn dài hạn, một tinh thần doanh nhân, hay một lợi thế cạnh tranh là 3 điểm nhấn được Thủ tướng đề cập đến xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp. Ngay trong mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng đã nhấn mạnh ai cũng có khát vọng và mơ ước, mong muốn được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.
“Khát vọng của mỗi người Việt Nam sẽ hòa mình vào khát vọng lớn hơn của dân tộc chúng ta về một đất nước thịnh vượng, người dân hạnh phúc. Năm 2045, thời điểm tròn 100 năm Quốc khánh, mục tiêu Việt Nam sẽ là một nước phát triển, với thu nhập người dân hơn 18.000 USD. Làn sóng khởi nghiệp hiện nay sẽ hình thành nên lớp thế hệ doanh nhân đầy tự hào của Việt Nam. Không món quà nào có ý nghĩa hơn món quà này cho năm 2045”- Thủ tướng nói.
Khởi nghiệp không thuần túy là một con đường kiếm sống, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống, khẳng định mình, thử thách bản thân. Và bên cạnh những thành công còn có thất bại, song không phải vì thế mà lụi tàn, tắt đi ngọn lửa sáng tạo những ước mơ cháy bỏng của đời người khi bắt đầu từ tuổi trẻ. Tài nguyên thiên nhiên khai thác đến một lúc nào đó sẽ cạn kiệt nhưng sự sáng tạo của con người chính là tài nguyên vô hạn. Nhưng để cho những “tài nguyên vô hạn” được cất cánh rất cần đến “bàn tay Nhà nước” với vai trò “bà đỡ” nằm ở “Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất”.
Vì thế bên cạnh việc đưa ra những câu hỏi đáng suy ngẫm, như cũng nên tự hỏi mình tại sao có nhiều người Việt Nam phải ra nước ngoài khởi nghiệp? đặc biệt là sang Singapore. Ví dụ trình duyệt Cốc Cốc, mạng xã hội về địa điểm ăn uống Lozi được xem là những dự án khởi nghiệp khá thành công của người Việt nhưng lại chọn Singapore làm nơi đăng ký kinh doanh. Vì thế, theo Thủ tướng, rất cần có các chương trình đào tạo tăng tốc khởi nghiệp, thúc đẩy việc đưa tinh thần khởi nghiệp vào trong các trường phổ thông và đại học, tăng cường các chuyên đề giảng dạy về khởi nghiệp vào trong chương trình đào tạo bắt buộc hoặc tự chọn.
Nhưng trước tiên, những câu hỏi của Thủ tướng cần có lời giải bằng việc ngay từ bây giờ, các bộ ngành và chính quyền địa phương cần xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Phải hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, kết nối và hội tụ những người có năng lực ở nhiều lĩnh vực mới phát huy được vai trò của các “vườn ươm khởi nghiệp”, khơi dậy được những suy nghĩ, ý tưởng sáng tạo.
Chỉ khi nào hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa những ước mơ và hoài bão thì những tiềm năng của tương lai, những nguồn lực là “tài nguyên vô hạn” mới có thể “khôn lớn” đi ra thế giới và chinh phục thế giới. Một ước mơ khát vọng khó có thể trở thành hiện thực nếu như không được cởi trói bằng việc phải thay đổi nhận thức về quản lý nhà nước về khởi nghiệp.
Thay vì đặt ra một “cái khung”, hay những “barem” định sẵn thì việc tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để cho mọi tư duy sáng tạo được phát triển, khai thác các mô hình kinh doanh mới, hay chí ít “sức khỏe” của những doanh nghiệp “startup” non nớt rất cần được đảm bảo để có thể miễn dịch hay đề kháng trước những “chi phí không chính thức” hay những thủ tục rào cản. Và chỉ khi nào những bộ, ngành địa phương thực sự vào cuộc, gỡ bỏ được “lớp đinh trên tấm thảm đỏ”, loại bỏ “phí bơi trơn” thì lúc đó những bộ óc ý tưởng sáng tạo mới được khơi thông, tỏa sáng để cất cánh trong nước thay vì lo “vượt rào” sang trời Tây để lập nghiệp như Cốc Cốc, Lozi.