Sáng 16/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Phát biểu tại đây, Thủ tướng yêu cầu, DNNN phải nhanh nhạy hơn, không thể để cổ phần hóa quá chậm trễ như thời gian qua.
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh.
Chưa ai bị cắt chức vì chậm cổ phần hóa
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707. Số lượng DN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 (chiếm 71%). Trong 9 tháng đầu năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH). Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.694 tỷ đồng.
Như vậy, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, cả nước đã CPH được 162 DN với tổng quy mô vốn Nhà nước được xác định lại là 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị vốn nhà nước tại các DN CPH của cả giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, số thu từ CPH, thoái vốn đạt 218.255 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ CPH và thoái vốn giai đoạn 5 năm trước đây.
“Hiện nay, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn Nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ, vì vậy không thể chủ quan. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Về chủ quan, các chính sách pháp luật nào còn vướng mắc, tiến độ sửa đổi Nghị định 167, Nghị định 132, Nghị định 126 đã chỉ đạo rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn rất chậm. “Chưa có ai bị cách chức, chưa có ai bị kỷ luật, kể cả phân loại đánh giá cán bộ cuối năm vì thua lỗ và không chịu thực hiện quy định niêm yết công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Sớm tham mưu, hướng dẫn để tổ chức thực hiện
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, đến nay vẫn còn nhiều DN, tổng công ty “chậm đổi mới, ngại đổi mới” theo kế hoạch và phê duyệt của Thủ tướng. Công tác CPH, thoái vốn còn nhiều vướng mắc cả về thể chế và tình hình thực hiện. Đáng nói, theo Phó Thủ tướng, một số Bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong CPH... trong đó đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xem xét nguyên nhân tại sao CPH chậm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu 2 thành phố này.
Về vấn đề chậm CPH ông Nguyễn Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn có 38 DN chuẩn bị CPH, TP đang làm rất tích cực. “Chúng tôi đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường của TP hướng dẫn các DN này lên phương án, giao thẩm quyền, phương án sử dụng đất cho DN để đẩy nhanh tiến độ CPH”, ông Liêm nói. Theo ông Liêm, vướng mắc của TP Hổ Chí Minh chính là hướng dẫn về quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các DN, ông yêu cầu các bộ, ngành đảm trách nhiệm vụ này cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Giải thích vì sao lại có chuyện chậm CPH, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng: Có rất nhiều văn bản, nghị định hướng dẫn CPH nhưng những nghị định này chỉ hướng dẫn cho phần đất của nông lâm trường. Vậy đất CPH trong khu vực nội đô thì sao? “Hà Nội đụng đến chỗ nào cũng là đất vàng, dễ bị dư luận lên án. Thế nên khi thực hiện CPH chính quyền TP sẽ cùng DN trên địa bàn đưa ra phương án, công khai minh bạch mới giải quyết được việc”, đại diện Hà Nội nói. Ông Nguyễn Văn Sửu đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường phải dứt khoát phải ra thông tư hướng dẫn cụ thể.
Không thể quyền anh, quyền tôi trong cổ phần hóa
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Kinh tế nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng, kể cả nước phát triển cũng đề cao vai trò của kinh tế Nhà nước trong đó có sự đóng góp của các DNNN. Với vai trò lớn như vậy của DNNN, Đảng ta có chủ trương cơ cấu lại các DNNN từ đầu những năm 1990 và chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Thông qua CPH đã dần khắc phục được sự trì trệ, yếu kém của DNNN trước đây. Nhờ vậy, hàng tồn kho giảm, tài sản tăng, ngân sách Nhà nước nộp cao hơn. Đồng thời chống tham nhũng, thất thoát tốt hơn trong khu vực DNNN.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong CPH như, phương án sử dụng đất, giá trị văn hóa lịch sử còn khó khăn trong quá trình định giá, cơ chế phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước với địa phương chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng quyền anh, quyền tôi mà chưa đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, tồn tại về tái cơ cấu thoái vốn cần rút kinh nghiệm mạnh mẽ hơn nữa…
Nguyên nhân của tình trạng này theo Thủ tướng có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Rõ ràng vẫn còn việc chưa nghiêm túc trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bởi CPH DNNN thế nào chúng ta có danh mục hết rồi, có điều chúng ta có làm hay không mà thôi. Một nguyên nhân quan trọng nữa theo người đứng đầu Chính phủ khiến CPH chậm trễ chính là vai trò người đứng đầu chưa cao, chưa quyết liệt, chưa thực hiện đúng yêu cầu công khai minh bạch, CPH, thoái vốn. Do đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý, trong thực hiện nhiệm vụ CPH chính là tâm lý ngại thay đổi, vì lợi ích cá nhân, cục bộ, tham nhũng che dấu sai phạm, cố tình làm chậm tiến trình này.