Không chỉ là chuyện 'ghế ngồi'

Anh Tú 03/08/2017 08:50

Giờ đây, vị trí ngồi giữa đại diện VKS và luật sư đã ngang bằng về mặt thực tế. Nhưng những vị đại diện VKS cũng cần dứt khoát từ bỏ lối tư duy “chiếu trên” trong khi tranh tụng tại phiên tòa.

Quãng năm 2003, tôi có tham dự một phiên tòa hình sự ở Thái Nguyên. Phiên tòa theo tinh thần “cải cách tư pháp” tức là ngoài việc luật sư được tranh tụng thoải mái thì HĐXX cũng cho kê bàn của luật sư ngang với đại diện cơ quan công tố. Ngày đó, đây là một sự kiện mang tính đột phá. Nhưng rồi “thử nghiệm” này cũng rơi vào im lặng. Mọi việc lại quay trở lại như cũ.

Chỗ của đại diện Viện Kiểm sát (VKS) tại phòng xử tiếp tục được bố trí bên phải HĐXX, chỗ của thư ký phiên tòa bên trái, trên một cái bục cao. Còn vị trí của luật sư và những người tham gia tố tụng khác đều ở dưới.

Thậm chí nhiều vị Kiểm sát viên (KSV) vẫn giữ thói quen tò tò xách cặp đi sau HĐXX vào phòng xử để được mọi người “đứng dậy chào”.

Sau đó quãng chục năm, vấn đề lại được xới lên khi TAND TP Đà Nẵng bố trí vị trí ngồi của đại diện VKS và luật sư ngang nhau trong phòng xử.

Theo Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, mô hình “HĐXX - Thư ký phiên tòa - KSV dàn hàng ngang” có nhiều bất cập. Tại phiên tòa, KSV và Thư ký phiên tòa chỉ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật tố tụng nên vị trí ngồi của họ không thể ngang bằng với HĐXX.

Thứ hai, tại phiên tòa, hoạt động tranh tụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Do đó, để đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng thì những chủ thể có quyền tranh tụng phải có vị trí ngồi ngang bằng với nhau.

Ngay lập tức, ngành Kiểm sát TP Đà Nẵng có văn bản báo cáo lên cấp trên - Viện KSND tối cao. Lý lẽ của Viện KSND TP Đà Nẵng là: VKS thực hiện chức năng “kiểm sát hoạt động tư pháp” (tức là kiểm sát cả hoạt động xét xử của Tòa án). “Nói về lý luận, anh ngồi dưới mà kiểm sát ở trên thì chẳng giống ai cả”, một cán bộ Viện KSND TP Đà Nẵng lập luận.

Cũng về mặt lý luận, ý kiến “bênh” ngành Kiểm sát cho rằng: Trong phiên tòa hình sự, VKS là cơ quan thực hiện quyền công tố và KSV thực hiện chức năng chứng minh hành vi phạm tội.

Trong vụ án hình sự, đại diện cho Viện KSND là cơ quan duy nhất đại diện cho quyền lực nhà nước truy tố một người được coi là tội phạm ra trước ánh sáng, buộc tội bị cáo về một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Trong khi đó, luật sư là người tham gia tố tụng, là thành viên của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không nhân danh quyền lực nhà nước.

“Không thể đặt ngang hàng một người đại diện cho quyền lực nhà nước với luật sư - người tham gia tố tụng thông qua công văn cử người bào chữa theo chỉ định hoặc bản hợp đồng dịch vụ pháp lý mang tính thương mại với thân chủ” - ý kiến đăng tải trên website của Trường Đại học Kiểm sát.

Có vẻ như trước sức ép của một cơ quan tố tụng, ngành Tòa án đành phải nhượng bộ trong một thời gian dài. Việc KSV ngồi trên luật sư đã trở thành một “thói quen” không khiến ai băn khoăn.

Cho đến ngày 28/7/2017, khi TAND tối cao ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án.

Theo sơ đồ ban hành kèm theo Thông tư, vị trí của những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng như sau: HĐXX ngồi ở bục cao nhất, thấp hơn là vị trí của Thư ký phiên tòa, đại diện VKS và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại đương sự được bố trí đối diện nhau, ở vị trí dưới vị trí của Thư ký phiên tòa.

Theo quy định tại Thông tư, kể từ ngày 1/1/2018, đại diện VKS không còn được quyền “ghế trên ngồi tót” như thời kỳ huy hoàng.

Tại sao một chuyện quá nhỏ nhưng lại cần thời gian tới hơn chục năm để xem xét? Có vẻ vấn đề “chỗ ngồi” quá dễ hiểu nhưng vẫn được những người thực thi pháp luật “giải thích theo cách của mình”.

Đành rằng đại diện VKS trong phiên tòa hình sự “đại diện cho quyền lực nhà nước” nhưng tính chất “quyền lực nhà nước” thể hiện công tố viên nắm quyền buộc tội một con người: Một thứ quyền lực có thể dẫn đến việc một công dân bị tước đi một số quyền công dân, kể cả quyền được sống. Điều này không có nghĩa, người thực hiện quyền đó có vị thế cao hơn những người tiến hành tố tụng.

Còn khi thực hiện nhiệm vụ “kiểm sát việc tuân theo pháp luật”, đại diện VKS chỉ cần căn cứ vào diễn biến phiên tòa, hồ sơ vụ án chứ không phụ thuộc vào “chỗ quan sát” của KSV.

Thêm nữa, Bộ Chính trị đã có định hướng về việc “nghiên cứu việc chuyển viện kiểm sát thành viện công tố”. Khi ra trước Tòa chỉ có một nhiệm vụ là công tố viên có lẽ vị KSV đó không còn băn khoăn về vị trí của mình.

Giờ đây, vị trí ngồi giữa 2 bên đã ngang bằng về mặt thực tế. Nhưng những vị đại diện VKS cũng cần dứt khoát từ bỏ lối tư duy “chiếu trên” trong khi tranh tụng tại phiên tòa.

Nếu tại các phiên tòa hình sự vẫn còn những lập luận kiểu “VKS không tranh luận mà giữ nguyên như cáo trạng” thì chất lượng tranh tụng chưa được nâng cao để trở thành “khâu đột phá của hoạt động tư pháp” như mong muốn của Bộ Chính trị.

Không thể có bản án chính xác, đúng pháp luật nếu KSV và luật sư chỉ “bình đẳng” trên vị trí ngồi trong phòng xử án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chỉ là chuyện 'ghế ngồi'